Chi tiết

Làm gì để hiện thực hóa 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025?

Đây là một nội dung nằm trong 8 trọng tâm, đột phá của năm 2025 được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, sáng 8/1.

Mục tiêu là vậy song những thách thức vẫn đang hiện hữu.

Còn nhớ, năm 2024, nghị quyết của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính trong nhiều cuộc họp về nhà ở xã hội (NOXH) đã yêu cầu đẩy mạnh phát triển NOXH, nhà ở công nhân, thực hiện bằng được 130.000 căn. Nhưng, kết thúc năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết chỉ tiêu này không hoàn thành.

Phối cảnh dự án NOXH ở Bình Dương. Ảnh. Ảnh: MOC

Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 580.109 căn, trong đó số lượng dự án hoàn thành: 96 dự án với quy mô 57.652 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng: 133 dự án với quy mô 110.217 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 415 dự án với quy mô 412.240 căn.

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng chỉ mới có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử (có 16 dự án nhà ở xã hội đã ký hợp đồng tín dụng cho vay theo chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng).

Nhìn từ số liệu trên có thể thấy, số lượng dự án NOXH được triển khai rất lớn. Tuy nhiên, số lượng dự án hoàn thành không đáng kể. Số lượng dự án khởi công cũng nhiều nhưng theo ghi nhận thực tế, một số dự án NOXH tại Hà Nội và TP.HCM chỉ khởi công để lấy ngày, ì ạch triển khai do vướng mắc pháp lý.

Nhà nước phải trực tiếp vào cuộc thay vì chỉ đạo, hướng dẫn

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, câu chuyện làm NOXH không phải là “bài toán” khó mà là “bài toán” không có lời giải và quan trọng hơn cách làm như thế nào cho phù hợp.

“NOXH của tôi định nghĩa và nhiều người mong muốn là căn hộ giá thị trường 2 tỷ đồng, nhưng người lao động được mua ưu đãi ở mức 1 tỷ đồng. Còn NOXH có thể đang được chuyên gia và chủ đầu tư hiểu là giảm tối đa chi phí xây dựng, tiện ích, để có giá thành 900 triệu đồng và bán 1 tỷ đồng…”, TS Hiển nói và cho rằng, nếu làm NOXH kiểu này chắc chắn làm được, nhưng sẽ ế ẩm.

Lý giải, vị chuyên gia bày tỏ, các công ty BĐS phải mua đất giá cao (giá thị trường), và tốn nhiều công sức, chi phí để đủ pháp lý triển khai dự án. Do đó, họ không thể làm căn hộ giá rẻ, làm sẽ bị lỗ.

Tiếp theo, người lao động muốn mua căn hộ giá rẻ, giá rẻ hơn nhiều so với thị trường. Nếu căn hộ giá rẻ mà khu vực quá xa, hạ tầng, tiện ích không có… thì họ sẽ không mua.

Ở chiều ngược lại, nếu Nhà nước hổ trợ chủ đầu tư đưa ra được căn hộ tốt giá rẻ (thấp hơn 30-40% so với thị trường), sẽ dẫn đến tình trạng người lao động chen nhau mua, xếp hàng hàng km, sẽ tạo cơ chế xin – cho như thời bao cấp.

“Xét theo cách thức nhà ở đô thị các nước, giải pháp nhà ở cho cư dân chính là mức thu nhập đủ để bảo đảm đời sống, trong đó đủ chi phí để thuê một chỗ ở tốt với giá hợp lý. Sau đó, còn tùy vào sự lựa chọn mỗi người mà họ quyết định dồn tiền mua căn hộ kết hợp ở và như một khoản đầu tư hay họ chọn cuộc sống thoải mái tiếp tục thuê nhà, hay họ chọn đầu tư dạng khác.

Tóm lại, giải pháp chính vẫn là làm sao cho nền kinh tế phát triển, người lao động có việc làm và thu nhập tốt thì mọi thứ sẽ tốt hơn”, TS Hiển nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia VARS nhận định, Đề án 1 triệu căn NOXH sẽ khó hoàn thành vì còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn.

Vì vậy, cần nâng cao hơn nữa vai trò của Nhà nước trong thực hiện đề án và phải trực tiếp vào cuộc thay vì chỉ đưa ra chủ trương, định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo như hiện tại. Đồng thời, quyết liệt trong công tác lập quy hoạch, yêu cầu các địa phương phải đảm bảo dành đủ quỹ đất cho NOXH.



Nguồn