Đồng thời, tăng tính thanh khoản và thu hút được nguồn lực người dân vào tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng, dự án… hiệu quả?
LTS: Nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là các thành phố lớn đang rất lớn mà ngân sách Nhà nước không thể ” gánh” nổi. Vậy phát hành trái phiếu đô thị có là giải pháp khả thi?
TS Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế trao đổi với DĐDN.
– Trái phiếu đô thị là một trong những công cụ huy động vốn nợ cho phát triển hạ tầng, đô thị, công trình địa phương. Ở Việt Nam, công cụ này phát huy hiệu quả ra sao, thưa ông?
Trước hết, phải nói ngay cả trái phiếu chính phủ hiện cũng chưa hoàn toàn phổ biến như một tài sản, hàng hóa quen thuộc, nếu chúng ta so sánh như với các thị trường phát triển. Ví dụ như ở Mỹ, trái phiếu chính phủ là một tài sản đầu tư vững chắc của rất nhiều người dân và tổ chức tài sản như các quỹ hưu trí, các quỹ của công ty bảo hiểm, và cũng là tài sản trong dự trữ ngoại hối của nhiều quốc gia v.v. Theo đó, đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tác động rất lớn đến lãi suất, các thị trường đầu tư, sản phẩm tài chính này có khối lượng giao dịch lớn hơn nhiều lần so với cổ phiếu tư nhân.
Ở ta, đây là tài sản đầu tư, giấy tờ có giá thường được một số tổ chức như ngân hàng hay công ty bảo hiểm nắm giữ. Trong khi đó, tâm lý đầu tư của người dân vẫn đang chủ yếu hướng về các tài sản quen thuộc như vàng, đất, hay khoảng 8% dân số quan tâm cổ phiếu. Trong thời gian tới đây, với một nền kinh tế và thị trường vốn định hướng phát triển ổn định, bền vững, khả năng sẽ ít các cơ hội mua đất đầu cơ kiểu sinh lợi dàn trải, bất chấp như trước đây; cũng như kênh đầu tư vàng sẽ ngày càng hẹp, thì tài sản, hàng hóa nào sẽ là ưu tiên của người dân, hiệu quả và hợp lý cho nhu cầu đầu tư – nhu cầu hút vốn từ phía nhà đầu tư – Nhà nước? – Theo lý thuyết, đó phải là trái phiếu. Đối với các đô thị có nền kinh tế phát triển như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay 1 số tỉnh cấp trung ương đang có nhu cầu phát triển hạ tầng cơ sở cao, thì đó là trái phiếu đô thị.
– Vậy theo ông vì sao công cụ này vẫn chưa phổ biển, phát huy được hết vai trò kênh huy động vốn để phát triển địa phương?
Như đề cập ở trên, thứ nhất do trái phiếu Chính phủ cũng chưa hoàn toàn là tài sản đầu tư phổ biến, nên trái phiếu địa phương, đô thị ở cấp thấp hơn, cũng chưa thể phổ biến và được nhà đầu tư, người dân quan tâm.
Thứ hai, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu đô thị là một loại nợ công, phải được tính vào nguồn ngân sách được phân bổ và hạch toán thu – chi ngân sách địa phương và phải chịu quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Kế hoạch phát hành phải lập đề án, được Bộ Tài chính xem xét có ý kiến trước khi phát hành, lãi suất không được vượt quá khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định…
Với các quy định cụ thể (cần thiết) như vậy, việc phát hành sẽ chỉ rơi vào một nhóm các tỉnh, thành phố cấp TW đủ thỏa mãn điều kiện cũng như có khả năng huy động vốn để sử dụng theo nguyên tắc “tự vay, tự trả” – không phải nhờ hỗ trợ ngân sách TW để cân đối.
Điều này, một mặt giúp đảm bảo an toàn nợ công, tránh các trường hợp rủi ro vĩ mô gây áp lực lên nợ công, cung tiền, tài khóa và tiền tệ, tránh việc phát hành tràn lan (như ở Trung Quốc). Mặt khác, cũng làm hạn chế khả năng tự chủ tài khóa, hạn chế nguồn vốn đầu tư của các địa phương đang rất cần đầu tư, cải thiện hạ tầng, thúc đẩy các dự án nhằm thúc đẩy tăng trưởng GRDP và tăng trưởng GDP chung.
Theo đó, tính chủ động của các địa phương đối với tự chủ tài khóa vẫn có tính tương đối, thường dựa vào quốc sản, trong khi các địa phương cấp TW những năm qua đều nguồn thu lớn từ phát triển kinh tế, tỷ lệ thu và đóng góp cho ngân sách luôn thực dương lớn. Đây cũng là những yếu tố khiến trái phiếu đô thị chưa giúp sức cho việc “nở nồi” nguồn vốn đầu tư, với xuất phát điểm là huy động từ tiền nhàn rỗi trong dân.
– Với trường hợp TP HCM và kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn thực hiện Metro mới đây, ông có thể nhìn nhận cụ thể hơn về cơ hội, cũng các điều kiện cần có?
Chúng ta thấy trái phiếu Chính phủ có lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng và có kì hạn dài hơn. Sau trái phiếu Chính phủ, trái phiếu đô thị như TP HCM, cũng là loại tài sản đảm bảo rủi ro, an toàn, lãi suất cũng sẽ phải thấp hơn huy động ngắn hạn của ngân hàng nhưng phải cao hơn trái phiếu Chính phủ để tăng sức hút. Lãi suất mức này, cần phải tính trên cơ sở đảm bảo trừ lạm phát vẫn sinh lợi, thực dương.
Do đó, trái phiếu đô thị cần đảm bảo về hấp dẫn lãi suất, chống trượt giá, là đặc thù cần có bên cạnh… tình cảm khi kêu gọi người dân mua trái phiếu để đóng góp phát triển quê hương. Khi lãi suất đủ hấp dẫn, khả năng trả nợ có minh chứng đảm bảo, thì nguồn vốn sẽ tự động tìm đến.
Có một điểm đáng lưu ý ở đây, trái phiếu đô thị là trái phiếu để phát triển cộng đồng địa phương. Hiện nhiều dự án, công trình lớn của Nhà nước đang được xã hội hóa, hợp tác PPP. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án BOT thực tế không có nguồn lực, họ đi huy động trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao, hay vay vốn ngân hàng để làm vốn đối ứng và phát triển dự án. Do đó, chi phí dự án đội lớn, phân bổ vào giá sản phẩm dịch vụ công trình cung ứng, tức người dân phải trả chi phí cao hơn. Rủi ro của triển khai công trình cũng cao hơn.
Theo đó, tôi cho rằng một khi đã khơi được nguồn vốn trái phiếu đô thị, song song với thực hiện PPP để tiếp tục xã hội hóa vốn đầu tư và tạo dư địa cho các doanh nghiệp tư nhân có năng lực thực cùng tham gia đầu tư phát triển, các địa phương cũng cần xây dựng danh mục, phân loại công trình và thành lập đơn vị quản lí, chủ động triển khai. Với cách thức này thì nguồn chi phí huy động vốn thấp hơn, giá vốn công trình rẻ hơn, giá sản phẩm dịch vụ công trình cung ứng khi chuyển giao cũng rẻ hơn… ICOR lan tỏa chắc chắn có hiệu quả cao hơn.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Source link