Cao điểm 1.300 khiến VN-Index “mắc kẹt” suốt hai năm
Hai năm là quãng thời gian để một sinh viên học xong chương trình cao đẳng; là thời gian để đom đóm hoàn thành vòng đời của mình. Hai năm, là khoảng thời gian chứng kiến chứng khoán Mỹ tăng vọt lên các mức đỉnh thời đại.
Cũng chừng ấy thời gian để cả vạn chứng sĩ tham chiến trên thị trường chứng khoán Việt Nam được chứng kiến ngày VN-Index trở lại cao điểm 1.300 (phiên 12/6). Tuy nhiên, như một cơn mưa hạ – thoáng qua rồi tạnh ngay, niềm vui nhà đầu tư chỉ kéo dài vỏn vẹn 2 phiên (tức khoảng 9 giờ giao dịch) trước khi VN-Index rớt mốc 1.300 điểm thêm lần nữa.
Từ thực chiến đầu tư, có thể thấy trong 2 năm, nhiều sự thay đổi đã diễn ra. Thế nhưng, với rất nhiều thực thể trên sàn chứng khoán, khoảng thời gian này không khiến họ thay đổi nhiều. Có người vẫn chưa “về bờ” từ đỉnh cao 1.52x hồi tháng 4/2022, có doanh nghiệp vẫn kinh doanh thua lỗ, có cổ phiếu còn giao dịch thấp hơn giá cách đây 2 năm… còn VN-Index thì đang “mắc kẹt” ở vùng 1.250-1.300 điểm.
Diễn biến chỉ số VN-Index |
Đây cũng là những điểm nhấn trong tuyến Talkshow “Đi chợ cùng chuyên gia” với chủ đề số 1 – “Vùng cao 1.300 điểm – phân bổ dòng tiền thế nào hợp lý” do Trang tin điện tử Người Quan Sát vừa thực hiện.
>> Cổ phiếu ngân hàng quốc doanh và kỳ vọng từ ‘game tăng vốn’
Tại Talkshow, ông Nguyễn Minh Giang – Chuyên gia Quản lý tài sản khách hàng cao cấp, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua quý I/2024 tương đối ấn tượng với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng. Nhiều cổ phiếu trong số này như BID, HDB, ACB, LPB… đã tăng giá mạnh và thiết lập các mức đỉnh lịch sử.
Dù vậy, vị chuyên gia cho rằng, trên góc nhìn kỹ thuật, sau tạo đỉnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ cần 2-3 tháng để tích lũy.
Bước sang quý II/2024, trong bối cảnh nhóm dẫn dắt đã “nghỉ ngơi”, trạng thái vận động tích cực ở một số nhóm ngành như công nghệ, dầu khí, bán lẻ, vận tải biển, dệt may… là không đủ mạnh để giúp thị trường bứt phá và vượt mốc 1.300.
Trong tháng 6, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư diễn ra tương đối mạnh. Đây cũng là thời điểm các quỹ cập nhật báo cáo hoạt động bán niên và trở thành nguyên nhân khiến lực bán ròng gia tăng.
Theo đó, thị trường chứng khoán gặp khó ngay trong tháng đầu quý II với nhịp giảm điểm mạnh. Đến tháng 6, VN-Index tiếp tục “gục ngã” tại ngưỡng kháng cự 1.305 điểm. Tuy nhiên, theo ông Giang, diễn biến trên là tương đối phù hợp với bối cảnh hiện tại nếu chiếu lên bức tranh vĩ mô.
Tỷ giá khiến khối ngoại “đè trụ” ra bán
Đưa ra quan điểm thị trường từ lăng kính vĩ mô, ông Nguyễn Minh Giang nhấn mạnh, tỷ giá chính là một từ khóa trọng yếu trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì mức lãi suất cao và chưa có bất kỳ biểu hiện chắc chắn nào về việc sẽ điều chỉnh giảm lãi suất.
Với việc đồng USD tiếp tục khẳng định sức mạnh so với các ngoại tệ khác, trong nước, giá vàng đã tăng dựng, có thời điểm vàng SJC chạm mức 92 triệu đồng/lượng. Chuyên gia KBSV cho rằng, giá vàng tăng cao và chênh lệch lớn dẫn đến tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng… qua đó ảnh hưởng đến câu chuyện dự trữ ngoại tệ của Việt Nam.
Cuối quý II/2024, số liệu xuất nhập khẩu từ Tổng cục Thống kê thể hiện, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh 15,7% so với cùng kỳ, đạt gần 369 tỷ USD, xuất siêu ước đạt 11,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, chúng ta bất ngờ nhập siêu trở lại 1 tỷ USD trong tháng 5. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng và tích trữ USD của các doanh nghiệp đang tương đối lớn.
Xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Với trạng thái tương đối căng thẳng về tỷ giá, khối ngoại đã liên tục bán ròng trong hơn một năm qua. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2024, nhóm này đã rút ròng khoảng 52.000 tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán – mức cao nhất kể từ năm 2011 xét trong cùng thời điểm. Tâm điểm bán ròng chủ yếu là các cổ phiếu trụ VN30 (đè trụ).
Ông Giang đánh giá, diễn biến của khối ngoại phần nào ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư trên thị trường, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân.
Làn sóng hạ lãi suất đã bắt đầu, cổ phiếu trụ “ngoi” lên từ vùng thấp điểm
Kết thúc 6 tháng đầu năm, VN-Index tăng 10,2% và đóng cửa tại mức 1.245 điểm. Đưa ra nhận định thị trường về nửa cuối năm 2024, chuyên gia KBSV bày tỏ sự lạc quan về diễn biến thị trường ở cả điểm số cũng như câu chuyện vĩ mô.
Vị chuyên gia dẫn chứng, tăng trưởng GDP Việt Nam trong quý II/2024 đạt 6,93%, lạm phát được giữ ổn định. Trên thế giới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu hạ lãi suất. Thụy Sĩ hay Canada cũng có hành động tương tự. Tới đây, Fed có thể điều chỉnh hạ lãi suất – đảo chiều chính sách tiền tệ.
Theo đó, nửa cuối năm 2024, làn sóng hạ lãi suất có thể sẽ bắt đầu qua đó áp lực tỷ giá phần nào được cởi bỏ đối với các thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Những kỳ vọng về việc các ngân hàng Trung ương hạ lãi suất phần nào phản ánh lên giá cổ phiếu ngân hàng big4 và nhóm VN30 trong thời gian gần đây. Cụ thể, cổ phiếu VCB, CTG sau nhịp chiết khấu 3-4 tháng qua đã nhích tăng trở lại; nhóm cổ phiếu Vingroup đã dừng đà giảm xét trên phương diện kỹ thuật dòng tiền; cổ phiếu POW có nhịp tăng giá mạnh nhất sau gần 3 năm. Ông Giang cho rằng, đây là một trong những cơ sở để kỳ vọng điểm số của thị trường sẽ sớm cải thiện trong quý III và thời gian tới.
Mặt khác, với các nhóm bán lẻ, dệt may, công nghệ, vận tải biển… vốn đang có câu chuyện riêng, giá cổ phiếu cũng vận động tích cực trong thời gian qua. Đây sẽ là mức nền tốt để nhà đầu tư kỳ vọng.
Đưa ra quan điểm cá nhân về triển vọng đầu tư ngắn hạn, trung và dài dạn, ông Giang lần lượt lựa chọn nhóm vận tải cảng biển (điểm nhấn HAH), nhóm tài chính (điểm nhấn VPB), nhóm bất động sản (điểm nhấn KDH) là những nhóm cần lưu tâm trong thời gian tới.