Lãnh đạo Petrovietnam làm việc với các đơn vị về cân đối cung cầu khí Đông – Tây Nam bộ
Chiều ngày 2/7/2024, tại Cà Mau, đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có buổi làm việc với các đơn vị trong chuỗi khí – điện – đạm về tình hình cung cầu khí khu vực Đông – Tây Nam bộ cùng các giải pháp cân đối, xử lý các khó khăn hiện tại.
Toàn cảnh buổi làm việc của lãnh đạo Petrovietnam với các đơn vị chuỗi khí – điện – đạm về cung cầu khí khu vực Đông – Tây Nam bộ.
|
Lãnh đạo Petrovietnam chủ trì buổi làm việc gồm có Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng và Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn; cùng sự tham dự của các đồng chí Thành viên HĐTV Bùi Minh Tiến, Phạm Tuấn Anh; Phó Tổng Giám đốc Lê Xuân Huyên và lãnh đạo các ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn tham dự trực tiếp, trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội.
Về phía các đơn vị trong chuỗi khí – điện – đạm tham dự và báo cáo tại buổi làm việc có lãnh đạo Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC).
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm; đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn cung – cầu, giá khí phục vụ sản xuất kinh doanh và đề xuất những giải pháp để tháo gỡ khó khăn về nguồn khí, giá khí trong giai đoạn tới.
Các báo cáo của đơn vị cho thấy, bối cảnh chung là nguồn khí trong nước đang trong xu hướng suy giảm mạnh, việc phát triển mỏ Sư Tử Trắng pha 2B (đối với khu vực Đông Nam bộ) và gia hạn PM3-CAA và các mỏ nhỏ cận biên (đối với khu vực Tây Nam bộ) có vai trò quan trọng trong việc hạn chế mức độ suy giảm nguồn cung khí trong nước và đáp ứng nhu cầu.
Cụ thể, đối với khu vực Đông Nam bộ, nếu không có các hộ tiêu thụ quy mô lớn mới và các nhà máy điện huy động như mức 2023-2024 thì LNG từ 2 kho Thị Vải (3 triệu tấn) và Sơn Mỹ (6 triệu tấn) sẽ đáp ứng đủ nhu cầu khí. Đối với khu vực Tây Nam bộ, nếu phát triển các mỏ nhỏ cận biên thì nguồn cung khí cho các hộ tiêu thụ tại Cà Mau chỉ đáp ứng đủ đến năm 2030, do đó vấn đề đặt ra là cần có đánh giá tổng thể và có lộ trình phát triển nguồn khí trong dài hạn như: gia hạn PM3 – CAA, phát triển các mỏ nhỏ, mua khí từ Petronas, bổ sung nguồn LNG…
Báo cáo của các đơn vị cũng cho biết, việc huy động khí trong năm luôn có tính chu kỳ, trong đó việc huy động điện khí cao trong mùa khô, rất thấp trong mùa mưa dẫn đến việc điều độ nguồn khí cần phải có sự thích ứng, kể cả giai đoạn sản lượng khí LNG tăng dần trong dài hạn.
Về nhu cầu điện được dự báo tăng trưởng trong dài hạn và tăng trưởng công suất phát điện không theo kịp thì sẽ buộc phải tăng cường huy động các nhà máy điện khí do vậy việc phát triển nguồn khí, đặc biệt LNG là cần thiết, nhất là khi nguồn khí trong nước suy giảm. Tuy nhiên việc phát triển các dự án LNG đang gặp nhiều khó khăn liên quan cơ chế chính sách… Và bức tranh điều hành sản xuất kinh doanh của PV Power cũng rất khó khăn trước tình trạng thiếu khí và cơ chế huy động điện hiện nay.
Chủ tịch HĐQT PVFCCo Nguyễn Xuân Hòa báo cáo về khó khăn của nguồn khí, giá khí cho sản xuất đạm
|
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cho biết, hiện trạng cung khí cho cả hai khu vực Đông – Tây Nam bộ đang trên đà suy giảm và thiếu hụt, hoạt động chuỗi đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Giải pháp được đưa ra để đảm bảo nguồn cung khí đó là phát triển mỏ nhỏ và LNG. Về ngắn hạn, Tổng Giám đốc Petrovietnam đề nghị cần tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hiệu quả chung cho chuỗi, tránh những thiệt hại lớn. Về lâu dài cần kiến nghị các cấp thẩm quyền xây dựng cơ chế chính sách cho công nghiệp khí.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kết luận buổi làm việc.
|
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đề nghị, lãnh đạo, các ban chuyên môn Tập đoàn khẩn trương đánh giá bài bản về hiện trạng, những bất cập khó khăn của từng nhóm vấn đề về cân đối cung – cầu khí trong phạm vi cả nước. Từ đó, căn cứ vào định hướng Bộ Chính trị, chiến lược mà Tập đòan đang triển khai để xây dựng thành chiến lược phát triển cho chuỗi; tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, sớm ban hành các cơ chế chính sách liên quan đối với cả thượng, trung và hạ nguồn, đảm bảo chuỗi phát triển lâu dài; xây dựng danh mục, giải pháp về sản phẩm; thúc đẩy các giải pháp với hệ sinh thái bên ngoài (Petronas, EVN); tăng cường các giải pháp trong công tác quản trị…