Chi tiết

Lãnh đạo Tập đoàn dệt may “hé lộ” kế hoạch sản xuất quần áo chống cháy

Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đang có tham vọng nghiên cứu, làm chủ công nghệ và sản xuất các loại vải, trang phục chống cháy, chậm bắt lửa để phục vụ thị trường trong nước.

Thông tin này được ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết tại buổi cung cấp thông tin tới báo chí về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh các tháng đầu năm 2024 của Vinatex và phong trào công nhân, chăm lo đời sống người lao động ngành dệt may.

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may

Lãnh đạo Vinatex cho rằng các trang phục chống cháy sẽ giảm thiểu rủi ro cho người dân khi gặp hỏa hoạn (Ảnh minh hoạ)

Theo ông Hiếu, sau hàng loạt vụ hỏa hoạn gây hậu quả rất nghiêm trọng thời gian qua ở một số địa phương, đặc biệt tại Hà Nội, việc sản xuất, đưa vào sử dụng các loại vải chống cháy, chậm bắt lửa góp phần giảm rủi ro cho người dân.

Tháng 3-2024, Vinatex và Tập đoàn Coats (Anh Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về sản xuất các loại trang phục vải chống cháy với công nghệ độc quyền từ phía Tập đoàn Coats. Mục tiêu trong năm đầu tiên sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm vải chống cháy với giá trị 5 triệu USD.

Ngay trong tháng 7-2024, theo ông Hiếu, những đơn hàng đầu tiên sang Indonesia với 5 ngàn mét vải sẽ được xuất khẩu, tiếp nối là đơn hàng 50 nghìn mét vải cho thị trường Trung Đông, 5 ngàn mét vải cho thị trường Ấn Độ và tiếp tục được chào hàng cho những thị trường khác. “Có thể nói, đây cũng là cơ hội mới cho Vinatex và các đơn vị thành viên khi thị trường ngày càng khốc liệt và khó đoán định”- ông Hiếu nói.

Theo lãnh đạo Vinatex, trong giai đoạn 1, tập đoàn sẽ tập trung sản xuất theo công nghệ đối tác chuyển giao, với các đơn hàng đã có điểm đến. Bởi hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí về loại vải chống cháy, chậm bắt lửa ra rất cao, giá thành cũng rất cao. “Hiện nay một kg sợi thông thường có giá khoảng 2,5 USD, tuy nhiên sợi để sản xuất ra vải này có giá từ 30 – 40 USD/kg, cao hơn rất nhiều”- ông Cao Hữu Hiếu nói.

Ông Cao Hữu Hiếu cho biết tham vọng của tập đoàn là sản xuất cho nhu cầu trong nước. Để triển khai việc này, từ năm 2022, Vinatex đã công bố sản xuất, thử nghiệm thành công vải chống cháy dùng công nghệ NaNo. Hiện loại vải này đã được may đồ bảo hộ cho một số ngành như điện lực, dầu khí, với số lượng chưa lớn.

Nhấn mạnh việc sử dụng quần áo chống cháy sẽ giúp giảm thiểu rủi ro khi hỏa hoạn, song ông Hiếu nhấn mạnh chi phí đang cao so với mặt bằng chung. Đại diện Vinatex cho biết một số nước trên thế giới đã có các quy định về mỗi hộ gia đình phải trang bị một vài bộ trang phục chống cháy, hoặc các loại rèm cửa, khăn trải bàn phải là vải chống cháy, chậm bắt lửa.

Về hoạt động sản xuất – kinh doanh nói chung, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 16 tỉ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước; trong đó, điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Trước bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex đã có nhiều cải thiện trong sản xuất kinh doanh. Hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết một trong những điểm sáng trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 của Vinatex là ổn định lực lượng lao động với hơn 63 ngàn lao động cấp 1, nếu xét tới lao động cấp 2 là hơn 155 ngàn lao động.

Thu nhập bình quân của người lao động trong 6 tháng đầu năm ước đạt 9,74 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7% so với năm 2023). Tổng số đoàn viên, người lao động được thụ hưởng từ các chương trình chăm lo đời sống, chương trình phúc lợi là trên 62 ngàn người, với giá trị hơn 6,5 tỉ đồng.

Source link