Chi tiết

Lắp điện mặt trời phải có hiệu quả kinh tế thì người dân mới làm

Ngày 19-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu.

Phó Thủ tướng: Lắp điện mặt trời phải có hiệu quả kinh tế thì người dân mới làm- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Báo cáo tại cuộc họp, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết ĐMTMN tự sản, tự tiêu được sản xuất và tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán lên lưới điện quốc gia.

Điện mặt trời mái nhà được lắp đặt ở công trình xây dựng gồm: Nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hiện hữu, được đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của nghị định bảo đảm không trùng lặp với cơ chế mua bán điện trực tiếp; mở rộng nội hàm khám niệm “tự sản, tự tiêu” theo hướng cho phép người dân lắp điện mặt trời mái nhà được bán điện dư thừa lên lưới; giới hạn tỉ lệ dư thừa điện đối với hình thức điện “tự sản, tự tiêu” để chống trục lợi chính sách, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp…

Liên quan đến dự thảo Nghị định này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính như thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt… cho người dân lắp đặt ĐMTMN, kết hợp đầu tư thiết bị lưu trữ điện để bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá điện nền huy động vào giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế đơn giản hóa thủ tục; quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên các công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, Bộ Công Thương cần tính toán giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lưới điện đối với các công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu, cụm công nghiệp có công suất lớn…

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lắp đặt ĐMTMN phải có hiệu quả kinh tế thì người dân mới làm, còn Nhà nước có thêm nguồn điện huy động để bảo đảm an ninh năng lượng.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng trình tự, thủ tục lắp đặt ĐMTMN theo tinh thần đơn giản hóa tối đa; quản lý chặt chẽ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, tại dự thảo nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất “phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu để tự sử dụng và không mua bán dưới mọi hình thức”. Theo Bộ Công Thương, các tổ chức, cá nhân lắp đặt ĐMTMN cần tính toán nhu cầu sử dụng điện, công suất đỉnh của phụ tải, qua đó thiết kế, lắp đặt ĐMTMN có công suất phù hợp, hạn chế tối đa nguồn điện dư thừa phát vào hệ thống điện quốc gia.

Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Bộ Công Thương cũng nêu rõ Chính phủ tôn trọng tổ chức, cá nhân trong việc lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của ĐMTMN vào hệ thống điện.

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhấn mạnh cần bảo đảm tính thị trường khi khuyến khích phát triển ĐMTMN như mục tiêu Bộ Công Thương đề ra khi xây dựng dự thảo nghị định. “Không có động lực nào cho người dân, doanh nghiệp bằng cơ chế thị trường. Khi họ đầu tư và được hưởng lợi từ sự đầu tư đó thì mới khuyến khích phát triển ĐMTMN được” – ông Việt phân tích.

Theo chuyên gia này, cần xây dựng cơ chế để người dân, doanh nghiệp có thể bán ĐMTMN dư thừa cho EVN hoặc bên thứ 3 bằng các chính sách giá phù hợp, trên cơ sở thỏa thuận.

Source link