Bên cạnh tên gọi này, các hợp đồng kinh doanh nghỉ dưỡng dài hạn (thường có thời hạn hợp đồng từ vài năm đến vài chục năm) còn xuất hiện dưới nhiều tên gọi như “hợp đồng nghỉ dưỡng”, “hợp đồng dịch vụ tuần nghỉ hạnh phúc”, “hợp đồng kỳ nghỉ gia đình”, “hợp đồng mua bán thẻ du lịch”…
Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết rất nhiều chiêu trò lừa đảo. Trong đó, bên bán thiết kế các chiến lược bán hàng bài bản để thu hút bên mua tham gia giao dịch một cách vội vàng.
Hình thức tiếp cận, chào mời khách hàng tham gia dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn phổ biến tại các doanh nghiệp là tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân (đặc biệt là người cao tuổi).
Tại đây, các công ty sử dụng nhiều chiến lược bán hàng tinh vi, bài bản khiến nhiều người dân đặt cọc/ký kết hợp đồng một cách vội vàng ngay cả khi chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cũng như chưa được cung cấp/chưa nghiên cứu hợp đồng.
Tiếp đó, chiêu tặng phiếu giảm giá, tặng kỳ nghỉ miễn phí; cung cấp quá nhiều và thổi phồng, thậm chí không đúng sự thật, các thông tin về lợi ích nghỉ dưỡng, cơ hội đầu tư hấp dẫn; che giấu một số thông tin quan trọng như nghĩa vụ của bên mua, các loại phí phát sinh, điều khoản bất lợi trong hợp đồng…
Khi nhận ra sản phẩm trên thực tế không đúng nguyện vọng như: Mua để đầu tư sinh lời nhưng không chuyển nhượng được cho bên thứ ba; mua để có các kỳ nghỉ lý tưởng với gia đình nhưng yêu cầu về thời gian đặt phòng trước quá khắt khe cũng như nhận ra các bất lợi, rủi ro từ giao dịch đã xác lập, người dân yêu cầu bên bán chấm dứt hợp đồng, hoàn trả tiền nhưng không được chấp nhận.
Cùng với đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chỉ ra nhiều rủi ro khác như bên bán thiết kế nội dung giao dịch tiềm ẩn rủi ro cho bên mua; Bên bán không sở hữu khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn và thu toàn bộ giá trị hợp đồng của bên mua trước khi cung cấp dịch vụ…
Trước thực trạng trên, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu.
Đồng thời, trước khi quyết định, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, đặc biệt ở những vấn đề như: Xác định rõ nhu cầu của bản thân, gia đình trong một thời gian dài.
“So sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng…” – Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo.