Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, được dự báo là công nghệ sẽ thay đổi và định hình lại thế giới.
Tờ Inquirer dẫn thông báo của Văn phòng Trợ lý đặc biệt của Tổng thống về Đầu tư và Kinh tế (OSAPIEA), mới đây, Tổng thống Philippines Marcos và các bên liên quan chính trong ngành bán dẫn Hoa Kỳ, bao gồm chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn John Neuffer đã có cuộc họp thảo luận về vấn đề này.
Ngoài ra, theo quỹ Công nghiệp Bán dẫn và Điện tử Philippines, ngành bán dẫn là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của đất nước này với kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, trong năm 2023, ngành này đã xuất khẩu 45,6 tỷ USD và sử dụng 3 triệu lao động.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công du Philippines, ngày 19/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới thăm một nhà máy bán dẫn và dành lời khen tới ngành công nghiệp bán dẫn tại quốc gia này.
Ông Blinken cho biết, trong lĩnh vực bán dẫn, Mỹ và Philippines có mối quan hệ hợp tác lâu dài. Ông khẳng định, Mỹ sẽ tìm cách thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác với Philippines, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á đang trở thành một đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng chip bền vững của Mỹ.
Chính phủ Philippines và ngành công nghiệp bán dẫn của quốc gia này đã đặt ra 3 mục đích chính cần ưu tiên thực hiện: mở rộng lĩnh vực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói; xây dựng năng lực thiết kế mạch tích hợp và giáo dục định hướng cũng như nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động tương lai.
Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và được dự báo là công nghệ sẽ thay đổi và định hình lại thế giới. Với tốc độ tăng trưởng ổn định, dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Các quốc gia trên thế giới đang cơ cấu lại vị trí trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực để có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu và là điểm dừng chân của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Ảnh minh họa – Nguồn: Internet |
Ngày 3/12, Hội thảo “Chiến lược Công nghiệp Bán dẫn: Động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội” thuộc khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024 đã được tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ và Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, ngày 21/9/2024, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược dài hạn như vậy.
Theo đó, công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được định hướng phát triển đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2024 – 2030, giai đoạn 2 từ năm 2030 – 2040, giai đoạn 3 từ năm 2040 – 2050.
Đến giai đoạn 3, ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế được hình thành. Đồng thời, hình thành 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn cũng như làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.
Khi đó, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt hơn 100 tỷ USD/năm; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt hơn 1.045 tỷ USD/năm và giá trị gia tăng tại Việt Nam đều đạt từ 20-25%.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trần Quang, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết, Việt Nam là quốc gia nằm ở trung tâm của Đông Nam Á nên dễ dàng kết nối với các thị trường lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Ngoài ra, Việt Nam còn tiếp giáp với Trung Quốc và Ấn Độ, 2 thị trường lớn với nhu cầu cao về sản phẩm công nghệ.
Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư từ các công ty muốn tiếp cận những thị trường này. Vị trí địa lý thuận lợi là cơ hội lý tưởng để Việt Nam thiết lập cơ sở sản xuất và phân phối bán dẫn cho khu vực.
Tuy nhiên, ông Quang nhấn mạnh, Việt Nam muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực này cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ các ngành công nghiệp nói chung cũng như ngành bán dẫn nói riêng.