Chi tiết

Lỗ tỷ giá tác động tới kinh doanh của ACV

11.jpg
Lỗ tỷ giá từ đồng Yên tác động doanh thu và lợi nhuận của ACV trong 09 tháng đầu năm

Báo cáo tài chính cho thấy, trong Quý 3/2024, doanh thu của ACV-Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – tăng nhẹ 6,2%, đạt 5.700 tỷ đồng, nhờ lượng hành khách quốc tế tăng 10,7%, lên 10,2 triệu lượt, bù đắp cho sự giảm sút của hành khách nội địa. Sự tăng trưởng của lượng hành khách quốc tế được thúc đẩy nhờ Việt Nam có chi phí du lịch thấp, thu hút khách du lịch từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngược lại, sự giảm sút của lượng hành khách nội địa chủ yếu do nguồn cung chuyến bay giảm khi các hãng hàng không bảo dưỡng máy bay A321, Bamboo Airways và Pacific Airlines, giảm các chuyến bay trong kế hoạch tái cơ cấu, dẫn đến giá vé máy bay cao.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần ACV tăng 12,3%, đạt 16.800 tỷ đồng, hoàn thành 73,2% dự phóng cả năm. Biên lợi nhuận gộp tăng nhờ mức giá dịch vụ cao hơn trên mỗi khách quốc tế. Trong Quý 3/2024, ACV ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 3.600 tỷ đồng (tăng 9,3%), khiến biên lợi nhuận gộp tăng lên 64,4% nhờ thay đổi trong cơ cấu hành khách với tỷ trọng cao hơn từ hành khách quốc tế do mức phí dịch vụ cho hành khách quốc tế cao hơn so với hành khách nội địa.

Trong Quý 3/2024, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm xuống mức 385 tỷ đồng âm 61,9% , chủ yếu do ACV ghi nhận dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi ở mức thấp 55 tỷ đồng, giảm đáng kể so với chi phí dự phòng 680 tỷ đồng trong Quý 3/2023, trong bối cảnh các hãng hàng không dần phục hồi. Ngoại trừ HVN và VJC, ACV đã trích lập dự phòng 100% cho nợ xấu của các hãng Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines.

Ảnh chụp Màn hình 2024-11-07 lúc 14.14.41
ACV trong top doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất trên sàn chứng khoán

Thu nhập tài chính ròng giảm mạnh do đồng yên tăng giá trong Quý 3/2024, ACV ghi nhận mức lỗ từ hoạt động tài chính 515 tỷ đồng từ mức lãi 975 tỷ đồng trong Quý 3/2023 .

Sự đi xuống trong Quý 3/2024 cũng chấm dứt đà tăng trưởng lợi nhuận (so với cùng kỳ) liên tục kể từ quý 1/2022 của ACV. Số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, ACV lỗ chênh lệch tỷ giá đến 771 tỷ đồng trong quý 3 năm nay, khi cùng kỳ năm trước ghi nhận lãi 478 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi tiền gửi trong quý 3 /2024 của ACV cũng giảm mạnh.

Khoản lỗ tỷ giá lớn của ACV trong quý này không hẳn là điều bất ngờ. Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã nêu lên mối lo ngại đối với lợi nhuận của ACV do xu hướng tăng giá mạnh của đồng Yên.

ACV đang có nợ dài hạn xấp xỉ 63,5 tỷ Yên từ nguồn vốn ODA, do đó, xu hướng tăng giá của đồng Yên sẽ tạo nên những tác động tiêu cực đối với lợi nhuận doanh nghiệp. Đây cũng là thế khó của ACV trong bối cảnh hiện nay, nếu tỷ giá liên tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2024 sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng lỗ tỷ giá cả năm 2024.


Source link