Phần lớn các khoản vay ngân hàng của Lộc Trời (LTG) đều là vay tín chấp, thời hạn trả nợ chậm nhất đến cuối tháng 10/2024.
Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG) vừa có đề nghị gửi đến UBND tỉnh An Giang yêu cầu có biện pháp ngăn chặn nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận do hành vi gian lận, gây thất thoát tài sản. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý lớn từ giới doanh nhân và nhà đầu tư. UBND tỉnh đã chuyển vụ việc cho công an tỉnh xem xét và giải quyết.
Lộc Trời kinh doanh ra sao dưới thời ông Nguyễn Duy Thuận
Ông Nguyễn Duy Thuận gia nhập Lộc Trời từ năm 2019. Trước đó, ông đã làm việc tại nhiều công ty nổi tiếng như Bệnh viện Đại học Y Dược, Sony, Philips, JVC, Unilever và Nestlé.
Lộc Trời, với thương hiệu nổi tiếng Hạt Ngọc Trời, đã ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định nhưng không có sự bứt phá đáng kể. Trong giai đoạn 2015-2019, doanh thu của công ty dao động từ 7.800-9.000 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế từ 320-414 tỷ đồng.
Năm 2019, dưới sự điều hành của ông Thuận, doanh thu giảm gần 10% còn 7.500 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng lên 369 tỷ đồng. Điểm nhấn đáng chú ý dưới thời ông Thuận là doanh thu đã tăng mạnh những năm sau đó, đạt mức kỷ lục hơn 16.500 tỷ đồng vào năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận cũng ghi nhận mức thấp kỷ lục chỉ 16 tỷ đồng, và nửa đầu năm 2024, doanh thu tiếp tục giảm sút, dẫn đến lỗ gần 100 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Lộc Trời |
Những khoản nợ tín chấp ngày càng phình to, vượt 6.300 tỷ đồng
Về quy mô tài sản, giai đoạn 2015-2019, tổng tài sản của Lộc Trời ổn định ở mức 6.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, dưới thời ông Thuận, tổng tài sản đã tăng mạnh, vượt 11.900 tỷ đồng vào cuối quý I/2024.
Sự gia tăng tổng tài sản kéo theo sự gia tăng đáng kể của nợ phải trả, với tổng nợ phải trả đến cuối quý I/2024 vượt 8.900 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản. Trong đó, tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn đã vượt 6.300 tỷ đồng, chiếm 70% tổng nợ phải trả.
Áp lực trả nợ của Lộc Trời càng lớn hơn khi có đến hơn 6.200 tỷ đồng là vay nợ thuê tài chính ngắn hạn, còn lại là vay nợ thuê tài chính dài hạn.
Trong khi đó, nguồn để trả nợ không thực sự sẵn sàng với tiền và các khoản tương đương chỉ đạt 105 tỷ đồng; các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ có 120 tỷ đồng. Lộc Trời phải phụ thuộc vào các khoản phải thu ngắn hạn (hơn 6.600 tỷ đồng) và hàng tồn kho (hơn 2.800 tỷ đồng).
Bức tranh tổng tài sản, nợ phải trả và nợ tài chính của Lộc Trời |
Đáng chú ý, nhiều khoản vay của Lộc Trời chủ yếu là vay tín chấp, trong đó có ngân hàng cho vay hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh lao dốc, nội bộ lãnh đạo xáo trộn. Thậm chí, với thông tin cáo buộc ông Thuận, khi cơ quan điều tra vào cuộc, doanh nghiệp sẽ còn chịu ảnh hưởng lớn đến hoạt động SXKD.
Đi tìm chủ nợ của Lộc Trời, có thể thấy, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà là chủ nợ lớn nhất của với khoản cho vay 1.063 tỷ đồng. Khoản vay này của Lộc Trời đang chịu lãi suất 9% và đến hạn vào 22/9/2024.
TPBank (TPB) đứng thứ hai với khoản cho vay 768 tỷ đồng, lãi suất 8% và đến hạn vào 8/9/2024.
Ngân hàng Malayan Banking Berhad cho vay 745 tỷ đồng, lãi suất 7,4% và đến hạn vào 11/9/2024.
Ngân hàng Quân đội MB (MBB) cũng còn dư nợ 720 tỷ đồng, với lãi suất 7% và hạn trả nợ vào 14/5/2024.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng cho vay số tiền lớn như Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) với 400 tỷ đồng và Sumitomo Mitsui Banking với 246 tỷ đồng…
Hiện tại, Lộc Trời (LTG) còn chưa công bố BCTC quý II/2024 và Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, những con số nợ đến hạn chưa được cập nhật đã thanh toán đúng hạn hay không.