Lợi nhuận xuống đáy
Sau 3 năm thăng hoa 2021 – 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH (mã: TNH) đang ghi nhận lợi nhuận đi xuống trong 9 tháng đầu năm nay và có nguy cơ vỡ kế hoạch năm. Đặc biệt, BCTC hợp nhất quý III cho thấy doanh thu bệnh viện giảm mạnh 41% xuống 110 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm đến 81% xuống 9,2 tỷ đồng – mức thấp nhất kể từ khi công khai số liệu BCTC quý (2018).
Công ty lý giải, trong quý III, chủ yếu phát sinh doanh thu từ dịch vụ khám chữa bệnh không phát sinh doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản như cùng kỳ năm trước. Đồng thời, 2 bệnh viện đang hoạt động của công ty trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, thiên tai, bão lũ diễn ra dài ngày nên số lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị nội trú giảm so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 20% xuống 332 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 43% so với cùng kỳ năm trước xuống 62,8 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty mới thực hiện được 61% kế hoạch doanh thu và 40,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo doanh nghiệp, kinh tế khó khăn, cạnh tranh tăng, bão Yagi, tăng giá viện phí trong năm 2024 và Bệnh viện TNH Việt Yên đi vào hoạt động chậm hơn dự kiến đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Dù vậy, vẫn có điểm tích cực là bệnh viện đã thu hút được nhiều đoàn khám sức khỏe, là nguồn khách hàng tiềm năng trong tương lai. Mặt khác, Bệnh viện TNH Việt Yên đi vào hoạt động sẽ giúp tỷ suất lợi nhuận của tập đoàn dần cải thiện.
Tiếp tục huy động vốn
Mới đây, Bệnh viện TNH vừa chào bán thành công 15,2 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá 10.000 đồng/cp, trong đó gần 14,8 triệu đơn vị là cổ đông thực hiện quyền. Doanh nghiệp muốn huy động hơn 152 tỷ đồng để trả nợ ban lãnh đạo, tổ chức tín dụng và bổ sung vốn lưu động.
Cụ thể, công ty dùng 92 tỷ để trả các lãnh đạo bao gồm ông Hoàng Tuyên – Chủ tịch HĐQT 35,6 tỷ đồng, ông Lê Xuân Tân – Thành viên HĐQT (11,4 tỷ đồng), ông Nguyễn Văn Thủy – Thành viên HĐQT (35 tỷ đồng), ông Nguyễn Xuân Đôn – cựu Thành viên HĐQT (10 tỷ đồng). Số tiền còn lại doanh nghiệp dùng để trả nợ vay BIDV, MBB và bổ sung vốn lưu động.
Bệnh viện TNH mượn ban lãnh đạo 92 tỷ đồng với kỳ hạn 12 tháng kể từ tháng 8/2022, lãi suất 5,45%/năm để đáo hạn trái phiếu phát hành 2020. Tập đoàn đã 3 lần xin gia hạn khoản nợ này, lần gần nhất là gia hạn đến 31/3/2025 nhằm đợi thực hiện xong thủ tục phát hành cổ phiếu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và bố trí nguồn vốn trả nợ theo hợp đồng đã ký.
Sau khi huy động được vốn để trả nợ ban lãnh đạo, Bệnh viện TNH tiếp tục lên kế hoạch chào bán riêng lẻ. Công ty thông báo ngày 21/11 đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2024. Doanh nghiệp triệu tập cổ đông để bàn việc sửa đổi điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty, bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập, thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ và nội dung khác. Kế hoạch chi tiết chưa được công bố.
Tập đoàn có 2 cơ sở y tế hoạt động ổn định gồm Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Bệnh viện đa khoa Yên Bình Thái Nguyên và tham vọng mở rộng chuỗi bệnh viện ra các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội… Tuy nhiên, kế hoạch gặp khó khi chi phí đầu tư bệnh viện bị đột vốn hàng trăm tỷ đồng so với dự toán ban đầu.
Cụ thể, Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) phải tăng vốn đầu tư từ 618 tỷ đồng lên 753 tỷ đồng do chi phí xây dựng và mua thiết bị tăng cao. Dự án được khởi công từ tháng 2/2023 và đi vào hoạt động từ 6/11 năm nay.
Ngoài ra, công ty đang đầu tư Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên giai đoạn 3 có tổng đầu tư 145 tỷ đồng, quy mô 50 giường bệnh. Dự án đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành quý II/2025. Bệnh viên TNH Lạng Sơn được khởi công từ tháng 2, có tổng vốn đầu tư 888 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào quý IV/2025.
Tại cuối quý III, tập đoàn đã tăng đáng kể nợ vay để tài trợ cho việc đầu tư các bệnh viện mới. Nợ vay ngắn hạn tăng từ 197 tỷ đồng lên 511 tỷ đồng và nợ vay dài hạn tăng từ 183 tỷ đồng lên 511 tỷ đồng.