Chi tiết

Lợi nhuận cả một thập kỷ không bằng một quý thua lỗ, điều gì đang xảy ra tại KPF?

Lợi nhuận cả một thập kỷ không bằng một quý thua lỗ, điều gì đang xảy ra tại KPF?

Do trích lập dự phòng phải thu khó đòi và tạm ứng có khả năng không thu hồi, CTCP Đầu tư tài sản Koji (HOSE: KPF) báo lỗ quý 2/2024 kỷ lục 282 tỷ đồng.

Theo BCTC quý 2/2024 mới công bố, Đầu tư tài sản Koji tiếp tục không ghi nhận doanh thu (đây là quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp trắng doanh thu từ quý 2/2023), trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm 49% so với cùng kỳ, còn gần 9 tỷ đồng.

Do đó, không đủ để bù đắp cho khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên hơn 290 tỷ đồng, gấp 342 lần cùng kỳ; dù KPF có cắt giảm 88% chi phí tài chính xuống còn hơn 400 triệu đồng nhưng cũng không đáng kể.

Việc thua lỗ trong quý 2 là điều không thể tránh khỏi với KPF. Công ty lỗ ròng 282 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 8 tỷ đồng (quý lỗ kỷ lục của KPF kể từ khi niêm yết HOSE năm 2016). 



Đáng quan tâm, tổng lợi nhuận ròng của KPF trong thập kỷ qua (từ năm 2014-2023) cũng chỉ đạt gần 266 tỷ đồng, không bằng một quý với khoản lỗ khủng trong quý 2 này.



Lãi ròng KPF từ năm 2014-2023

Giải trình về kết quả này, KPF cho biết trong quý 2 Công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi và tạm ứng có khả năng không thu hồi được. Vì vậy, lợi nhuận trong kỳ giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo thuyết minh, tính đến cuối quý 2, KPF đang trính lập dự phòng phải thu khó đòi gần 324 tỷ đồng; trong đó Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm nâng từ gần 31 tỷ đồng lên gần 91 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu gần 80 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ và Công nghiệp Bình Dương gần 57 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong danh mục này, có sự xuất hiện của 2 cá nhân là ông Nguyễn Khánh Toàn hơn 71 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Thủy gần 24 tỷ đồng.


Nguồn: KPF

Trước đó, vào cuối tháng 05/2024, ông Nguyễn Khánh Toàn (sinh năm 1979) có đơn xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT KPF nhiệm kỳ 2023 – 2028, vì lý do bận công việc cá nhân nên không thể tiếp tục tham gia các hoạt động của HĐQT.

Đến ngày 26/06, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của KPF thông qua đơn từ nhiệm của ông Toàn. Thay vào đó, ông Lê Như Phong được bầu làm vị trí trên.

* Chủ tịch KPF đệ đơn từ nhiệm trước thềm ĐHĐCĐ

Cũng chẳng lạ lẫm gì khi việc đổi lãnh đạo là chuyện “như cơm bữa” của KPF, chỉ tính từ đầu năm 2023, KPF đã có đến 3 đời Chủ tịch HĐQT và 3 đời Tổng Giám đốc. Bên cạnh đó, còn nhiều biến động tại các vị trí lãnh đạo khác và cơ cấu cổ đông.

* KPF liên tục thay lãnh đạo

Theo thông tin từ báo Công an nhân dân, ngày 02/05, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Khánh Toàn về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”. Thông qua hành vi phạm tội, tính đến thời điểm này, ông Toàn cùng đồng bọn đã thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.

* Phá đường dây thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng

Với kết quả tệ nhất lịch sử trong quý 2 vừa qua, KPF lỗ lũy kế gần 140 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản cũng ‘bay màu’ 35% so với đầu năm, còn hơn 525 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn tài sản là khoản đầu tư tài chính vào các công ty khác với hơn 495 tỷ đồng, chiếm 95% tổng tài sản.


Nguồn: KPF

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu KPF gần như đang rơi tự do, đóng phiên 24/07 ở 2,640 đồng/cp, giảm 51% so với đầu năm, thanh khoản bình quân gần 260 ngàn cp/phiên và là giá thấp nhất kể từ khi niêm yết trên HOSE năm 2016. Vốn hóa thị trường (24/07) hơn 158 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu (tính đến 30/06/2024) gần 511 tỷ đồng.



Diễn biến giá cổ phiếu KPF từ đầu năm 2024

Thanh Tú

FILI



Source link