Chi tiết

Lợi nhuận quý III có thể tăng gấp 13 lần, một cổ phiếu VN30 lọt vào danh mục đầu tư hàng đầu của J.P Morgan

Đóng cửa phiên giao dịch 10/10, cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan tăng 3,9% lên 80.000 đồng/cp. Đây cũng là vùng giá cao nhất trong vòng 7 tháng qua, vốn hóa thị trường của MSN theo đó tăng lên gần 115.100 tỷ đồng (tương đương 4,6 tỷ USD).

Đáng chú ý, thanh khoản trong phiên ghi nhận gần 20 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 1.580 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này.

Đồng thuận với diễn biến cổ phiếu, khối ngoại mua ròng đột biến MSN với 355 tỷ đồng (hơn 4,1 triệu đơn vị), cao nhất trong 3,5 năm trở lại đây, kể từ hồi tháng 2/2021.

Lợi nhuận quý III có thể tăng gấp 13 lần, một cổ phiếu VN30 lọt vào danh mục đầu tư hàng đầu của J.P Morgan
Diễn biến giá cổ phiếu MSN

Chứng khoán SSI vừa đưa ra dự báo về kết quả kinh doanh quý III/2024 của một số doanh nghiệp niêm yết.

Trong đó, Masan với vị thế doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ tiêu dùng được nhận định lãi khoảng 650 tỷ đồng, gấp gần 13 lần cùng kỳ. SSI cũng chỉ ra 4 động lực tích cực của Masan bao gồm:

(1) Việc đang sở hữu 14,88% vốn tại Techcombank (HoSE: TCB), tương ứng hơn 1 tỷ cổ phiếu. Trong quý III, lợi nhuận sau thuế của Techcombank được kỳ vọng dao động từ 5.900 – 6.100 tỷ đồng, qua đó giúp Techcombank duy trì lợi nhuận trên 6.000 tỷ đồng, tương tự hai quý đầu năm.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TCB đã tăng mạnh gần 20% trong hai tháng qua, giá hiện tại gần mốc 25.000 đồng/cp, tiệm cận mức cao nhất lịch sử.

(2) Kỳ vọng lớn từ CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, UPCoM: MCH). Đây là nguồn lợi nhuận chính của tập đoàn. Năm 2023, doanh nghiệp này đạt lợi nhuận gần 7.200 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2024, Masan Consumer ghi nhận doanh thu gần 14.000 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 3.400 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 2/10, MCH đã thông qua nghị quyết về việc chuyển cổ phiếu từ sàn UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).

Theo lộ trình, Masan Consumer sẽ tiến hành đăng ký danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký với Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), đồng thời hoàn thiện và nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE. Dự kiến, cổ phiếu MCH sẽ chính thức được niêm yết trên HoSE vào năm 2025.

Công ty cũng ủy quyền cho Chủ tịch Hội đồng Quản trị và/hoặc Tổng Giám đốc thực hiện các thủ tục liên quan đến hồ sơ, tài liệu và thời điểm nộp hồ sơ. Thời gian chốt danh sách cổ đông sẽ được công bố sau.

(3) SSI dự báo CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (WCM) có thể đạt mức lãi nhẹ trong khi Masan High-Tech Materials (MHT) sẽ giảm lỗ, góp phần vào tăng trưởng lợi nhuận chung.



(4) Chi phí lãi vay giảm so với cùng kỳ năm trước cũng hỗ trợ cho sự tăng trưởng của Tập đoàn Masan.

J.P Morgan khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu MSN với giá mục tiêu 98.000 đồng/cp

J.P. Morgan (Hoa Kỳ) vừa công bố báo cáo phân tích chiến lược đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam và khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu MSN.

J.P. Morgan cho rằng các động thái thúc đẩy kinh tế của Chính phủ và chu kỳ kinh doanh sẽ là chất xúc tác thúc đẩy hoạt động kinh tế trong suốt nửa cuối năm 2024, và điều này sẽ lan tỏa đến hiệu suất của thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ quý IV/2024 đến quý I/2025.

J.P. Morgan nhận định nền kinh tế Việt Nam có xu hướng tăng tốc trong quý IV do chu kỳ kinh doanh (các nhà xuất khẩu tăng tốc trước kỳ nghỉ lễ), đầu tư công (Chính phủ thúc đẩy giải ngân trước cuối năm) và dòng khách du lịch sôi động. Sự tích cực này có xu hướng lan sang thị trường chứng khoán với độ trễ một quý.

Lợi nhuận quý III có thể tăng gấp 13 lần, một cổ phiếu VN30 lọt vào danh mục đầu tư hàng đầu của J.P Morgan
Nguồn: J.P. Morgan

Tập đoàn tài chính này cho rằng chu kỳ này sẽ tiếp tục lặp lại trong năm nay vì dữ liệu kinh tế gần đây chỉ ra sự tăng tốc liên tục trong nửa cuối năm 2024. Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và mở rộng hạn ngạch tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% (tăng từ 6-6,5% vào đầu năm). Đáng chú ý, trong 4 quý vừa qua, tăng trưởng của Việt Nam đã vượt xa các nước trong khối ASEAN.

Trong bối cảnh trên, J.P. Morgan đánh giá: “Ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (+7% từ đầu năm) đã có mức tăng thấp hơn so với thị trường chung. Chúng tôi tin rằng động lực thuận lợi trong ngắn hạn đang ủng hộ cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng thiết yếu với: Dòng tiền tiềm năng từ nâng hạng thị trường chứng khoán; Đồng USD thấp hơn giúp giảm chi phí đầu vào; và tăng trưởng doanh thu ổn định. Chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng ngành này, với cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan là một trong những lựa chọn hàng đầu của chúng tôi.”

Masan được J.P. Morgan đánh giá là tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam, với danh mục sản phẩm tiêu dùng đa dạng và mạng lưới bán lẻ hiện đại đang liên tục được mở rộng. Đồng thời, Masan đang ở vị thế dẫn đầu thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam, đặc biệt là trong phân khúc siêu thị mini.

So sánh với Trung Quốc và Thái Lan trước năm 2010, thị trường tiêu dùng tại Việt Nam được nhận định đang ở “thời điểm vàng” của sự phát triển thương mại hiện đại và có tiềm năng định giá lớn trong tương lai. Với dân số gần 100 triệu người, trong đó một nửa dưới 32 tuổi, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người ấn tượng 7,1% CAGR từ năm 2017, lên đến hơn 4.200 USD vào năm 2023, thuộc nhóm cao nhất trong số các nước ASEAN/các thị trường mới nổi. Việt Nam hiện đặt mục tiêu nâng mức GDP bình quân đầu người lên 7.500 USD vào năm 2030 và 10.000 USD vào năm 2035.

Trong bối cảnh đó, thông qua các hoạt động M&A và mở rộng tự nhiên, Masan đã và đang xây dựng hệ sinh thái công nghệ tiêu dùng theo chiến lược “Point of Life”, nhằm tối đa hóa thị phần chi tiêu của người tiêu dùng.

Cổ phiếu MSN được J.P. Morgan định giá ở mức 94.640 đồng/cp, cao hơn 18,3% so với giá đóng cửa phiên 10/10.

>> Đề xuất sửa Luật Chứng khoán: Loại nhà đầu tư cá nhân khỏi thị trường trái phiếu riêng lẻ



Source link