Nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, chuyên gia kinh tế lẫn tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đều cho rằng các cuộc thi về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chính là sân chơi bổ ích và là điểm tựa cho nhà khởi nghiệp (startup) phát triển DN, mở rộng quy mô…
Đa dạng sân chơi
Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng vừa chính thức mở đơn đăng ký tham gia cho các DN khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên.
Đây là chương trình tăng tốc khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam dành riêng cho lĩnh vực hiệu quả năng lượng, nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” (AIS4EE). Chương trình dành cho các DN khởi nghiệp từ giai đoạn tiền hạt giống đến giai đoạn hạt giống và học sinh, sinh viên trong độ tuổi 15 – 25; tổng giải thưởng lên đến 35.000 USD cho các DN và 10.000 USD cho nhóm học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các đội còn có cơ hội tham gia những sự kiện gọi vốn trong nước và quốc tế từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Trước chương trình này, tại Việt Nam có rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo startup, như: Startup Việt, I-startup, Startup Wheel, Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam, SK Startup Fellowship (SKSF)…
Đơn cử, Startup Wheel – cuộc thi khởi nghiệp thường niên lớn nhất khu vực Đông Nam Á, do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TP HCM (BSSC) tổ chức – chuẩn bị bước vào vòng bán kết và chung kết cuối tháng 8 này. Năm nay, cuộc thi nhận được hơn 2.000 dự án của các startup Việt Nam và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký tranh tài.
Gắn bó với Startup Wheel từ những năm đầu với vai trò thành viên ban tổ chức, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc BSSC, cho hay đến với cuộc thi, nhiều DN không chỉ nhắm đến giải thưởng mà còn là kiến thức, các mối quan hệ, cơ hội khác.
Trường học lớn cho DN
Giành chiến thắng tại cuộc thi Startup World Cup trong nước để đại diện Việt Nam tham gia thi đấu giải Startup World ở San Francisco – Mỹ vào tháng 10- 2024, dự án pin cát Alternō đang là gương mặt nổi bật của giới startup công nghệ Việt Nam.
Anh Hồ Việt Hải, đồng sáng lập Alternō, cho biết khoảng 10 năm nay, công ty đã tham gia mấy trăm cuộc thi khởi nghiệp, sở hữu “cả kho” thành tích và trở nên nổi tiếng. Anh nhận xét: “Cái được lớn nhất của chúng tôi là tìm được khách hàng, nhà đầu tư từ các cuộc thi. Mới đây, nhờ tham gia cuộc thi Greenhouse Accelerator do Tập đoàn PepsiCo tổ chức, Alternō đã ký được hợp đồng cung ứng sản phẩm cho PepsiCo trị giá 20.500 USD”.
Đại diện Alternō cho rằng nếu như năm 2013, Việt Nam chỉ có vài cuộc thi khởi nghiệp thì hiện nay, gần như tháng nào cũng có, trong đó rất nhiều cuộc thi quy mô quốc tế nên DN startup có nhiều cơ hội cọ xát. “Chúng tôi học được rất nhiều và trưởng thành hơn sau mỗi lần thi. Thậm chí, mới đây, khi tham gia với vai trò giám khảo một cuộc thi khởi nghiệp ở Philippines, tôi đã được một thí sinh dạy cách làm slide chuẩn” – anh Hải thích thú.
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Hải gợi ý startup phải tìm hiểu rõ về cuộc thi, tiêu chí, ai là nhà tài trợ để biết được thứ họ mong muốn ở người chiến thắng là gì. Từ những điều mong muốn đó thì mình có những sản phẩm dự thi phù hợp.
Nhiều chuyên gia lĩnh vực khởi nghiệp nhìn nhận những năm gần đây, các cuộc thi khởi nghiệp có sự nâng lên về mặt chất lượng. Các startup tham gia ý thức rõ hơn về giá trị của các cuộc thi đối với hành trình khởi nghiệp của mình, giúp họ phát triển.
Bà Diệu Hằng dẫn chứng các dự án lọt vào top 50 của Startup Wheel đều có câu chuyện, sản phẩm tốt nên được tiếp xúc nhiều đối tượng khác nhau. Từ cuộc thi, các thí sinh gặt hái được rất nhiều giá trị.
“Mỗi dự án đều có tối thiểu 10 quỹ đầu tư, nhà đầu tư liên hệ bàn chuyện hợp tác. Có DN tìm được người đồng sáng lập, có DN thì tìm được quỹ đầu tư hoặc ký được hợp đồng kinh doanh. Có đến 95% dự án thuộc tốp 50 tiếp tục hoạt động, phát triển tốt và gọi được vốn, có doanh thu/lợi nhuận sau cuộc thi” – bà Diệu Hằng thông tin.
Thực tế, với những cuộc thi lớn, khi lọt vào vòng trong, ngoài khoản tài trợ tài chính, các startup sẽ được hướng dẫn, đào tạo về quản trị, marketing, xây dựng đội ngũ lẫn mạng lưới đối tác, từ đó xây dựng nền tảng, gia tăng nội lực. Đây là những giá trị lớn mà nếu không tham gia, DN sẽ mất nhiều thời gian lẫn chi phí để học hỏi. Không những vậy, DN còn được giao lưu, kết nối với cộng đồng khởi nghiệp, từ đó có thể hỗ trợ nhau khi cần thiết.
Giám đốc BSSC Nguyễn Thị Diệu Hằng nhìn nhận gần 20 năm trước, các startup không có nhiều sân chơi nên không có kinh nghiệm thi thố. Còn hiện nay, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp rất đa dạng, phong trào khởi nghiệp cũng rất sôi động. Qua các cuộc thi, startup học được rất nhiều về quản trị DN, lên kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm, thương mại hóa… nên có được nền tảng tốt để phát triển.
Bà Diệu Hằng nhận định: “Các cuộc thi khởi nghiệp hiện nay thực sự trở thành sân chơi, cộng đồng gắn kết. Ở đó, người đi trước sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ thế hệ đi sau. Năm nay, Startup Wheel gặp lại khá nhiều thí sinh các mùa đầu, họ trở lại chương trình với vai trò là nhà tài trợ hoặc hỗ trợ thí sinh”.