Chi tiết

[Longform] MB: 30 năm, 30 triệu khách hàng và những giá trị lớn lao

MB: 30 năm, 30 triệu khách hàng và những giá trị lớn lao

Sau 30 năm trưởng thành và phát triển, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) trở thành ngân hàng đông khách nhất toàn ngành. Trong những năm tiếp theo, MB kiên định với mục tiêu trở thành “Doanh nghiệp số, tập đoàn tài chính dẫn đầu”, ưu tiên phát triển bền vững, củng cố chất lượng các mặt hoạt động, đầu tư nguồn lực, các nền tảng cho chiến lược phát triển dài hạn.

Được thành lập vào ngày 04/11/1994, từ một ngân hàng với 20 tỷ đồng vốn điều lệ và 25 nhân sự, đến nay, MB đã vươn lên trở thành ngân hàng có lợi nhuận trước thuế top 3 toàn ngành, đạt mức 1 tỷ USD. Tính đến 04/11/2024, giá trị vốn hóa của MB đạt 130,800 tỷ đồng, tương đương gần 5.2 tỷ USD, trung bình tăng trưởng 35%/năm. Doanh thu Tập đoàn đạt 47,306 tỷ đồng, trung bình tăng trưởng 20%/năm.

Suốt chặng đường 30 năm phát triển, MB tự hào với 4 giá trị lớn lao đã mang lại cho khách hàng, cổ đông và xã hội.      

Đầu tiên, MB là ngân hàng tiên phong về chuyển đổi số, nâng tầm trải nghiệm cho người dân và khách hàng.

Thứ hai, Ngân hàng đồng hành với số lượng khách hàng cao nhất, số lượng giao dịch cao nhất.

Thứ ba, Ngân hàng có lợi nhuận thuộc top đầu, thuộc top đóng góp nhiều nhất cho Ngân sách Nhà nước, đảm bảo tốt quyền lợi của cổ đông và tích cực ủng hộ các chương trình xã hội, thiện nguyện. Tổng giá trị đóng góp Ngân sách Nhà nước của Tập đoàn từ khi thành lập đến nay gần 30,000 tỷ đồng; đóng góp cho công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội tổng số tiền hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Thứ tư, Ngân hàng top đầu trong phát triển bền vững, hướng tới xây dựng một Việt Nam xanh, đẹp, hùng cường.

Hiện, MB Group là tập đoàn tài chính có các dịch vụ từ chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng, bảo hiểm và tài chính tiêu dùng; tạo ra động lực nội sinh đầy đủ trong ngành tài chính – ngân hàng. Song song với việc mở rộng mạng lưới trong nước, MB đã mạnh dạn vươn ra quốc tế, lần lượt mở chi nhánh tại Lào, Campuchia và văn phòng đại diện tại Liên bang Nga. Năm 2023, MB Campuchia chính thức chuyển đổi thành ngân hàng thương mại 100% vốn với tên gọi MB Cambodia. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự vươn tầm khu vực của tập đoàn.

Việc tiếp nhận OceanBank trước thềm kỷ niệm 30 năm thành lập đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của MB khi MB Group phát triển thành một tập đoàn với hệ sinh thái bao gồm 3 ngân hàng (MB, MBCambodia, OceanBank) và 6 công ty thành viên (MBS, MBCapital, MIC, MB Ageas, MBAMC, Mcredit), đồng thời góp phần mở rộng không gian tăng trưởng cho MB.

Giai đoạn 2010, khi khái niệm “chuyển đổi số” bắt đầu được đề cập tại thị trường Việt Nam, MB đã triển khai các hệ thống số hóa lõi như: eBanking MB để khách hàng giao dịch trên kênh trực tuyến (năm 2011), hệ thống BPM số hóa luồng quy trình nghiệp vụ lõi (tín dụng, tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, năm 2013). 

MB đã sớm xác định chuyển đổi số là câu chuyện sống còn. Ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT MB cho biết: “Chuyển đổi số là một trong số những định hình quan trọng về chiến lược của MB. Điều này bắt nguồn từ việc MB đã tìm kiếm, phát hiện và triển khai các ý đồ về chuyển đổi số vào kỷ nguyên số”.

MB đã đầu tư mạnh cho công nghệ (khoảng 50 triệu USD mỗi năm), hợp tác với các đối tác công nghệ hàng đầu như IBM, Gartner. MB hiện có hơn 2,500 chuyên gia công nghệ, chiếm 15% tổng nhân sự toàn ngân hàng. Trung bình cứ khoảng 10 giờ làm việc, tại MB lại xuất hiện một dự án công nghệ mới. MB đã giúp mang lại trải nghiệm thuận tiện nhất cho khách hàng. MB duy trì tỷ lệ giao dịch thành công lên đến 99.95%, tỷ lệ khách hàng MB hài lòng CSAT (Customer Satisfaction) đạt gần 90%.

Từ năm 2017, chuyển đổi số nằm trong mục tiêu chiến lược của MB khi thành lập khối Ngân hàng số với mục tiêu làm chủ, ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm ngân hàng truyền thống và nâng cao năng lực bán hàng kênh số. MB đã chuyển đổi số toàn diện các khía cạnh của ngân hàng (kinh doanh, vận hành, dữ liệu, tài chính, quản trị rủi ro, công nghệ thông tin) thông qua việc thực hiện thành công 5 nhóm sáng kiến với 22 dự án chuyển đổi. Điều này đặt nền móng cho việc ra mắt nền tảng App MBBank cho khách hàng cá nhân và Biz MBBank cho khách hàng doanh nghiệp.

Trong giai đoạn chiến lược hiện tại 2022-2026, Ngân hàng số không chỉ là nền tảng mà là một trụ cột kinh doanh mới của MB, với mục đích tạo ra các giá trị vượt trội. Đây là những cơ sở để MB trở thành ngân hàng số hàng đầu, hiện thực hóa tầm nhìn “Trở thành doanh nghiệp số – Tập đoàn tài chính dẫn đầu”.

“Mục tiêu đến năm 2026, mọi khách hàng đều được phục vụ bằng các nền tảng số, 50-70% doanh thu được tạo ra từ các nền tảng”, đại diện MB chia sẻ.

Bên cạnh những đầu tư cho hạ tầng, công nghệ, mô hình, nền tảng, điểm khác biệt trong chuyển đổi số của MB  là xây dựng MB1688 – bộ cẩm nang để giúp MB trở thành ngân hàng số hàng đầu, ngân hàng Việt Nam có giá trị nhất đối với khách hàng. MB1688 là sự đúc kết, rút tỉa kinh nghiệm suốt quá trình phát triển 30 năm của MB, kết hợp với những bài học từ các doanh nghiệp số, tổ chức số hàng đầu trên thế giới. MB1688 giúp cho tất cả các cán bộ nhân viên MB chuyển đổi tư duy số, được trang bị các phương pháp số để thực thi công việc, phục vụ khách hàng theo một cách nhất quán với tầm nhìn, mục tiêu, định hướng của tổ chức đã đề ra.

Quá trình chuyển đổi số ở MB cho thấy kết quả rõ ràng. Từ con số 5 triệu khách hàng trong 25 năm đầu, số lượng khách hàng của MB đã tăng vọt lên 26.5 triệu trong năm 2023 và đạt 30 triệu khách hàng đến thời điểm hiện nay, tương đương 30% dân số Việt Nam. Trung bình, mỗi ngày MB được phục vụ thêm gần 17,000 khách hàng mới – con số mà theo lãnh đạo MB thì không một ngân hàng nào khác trong hệ thống đạt được.

Hiện nay, MB giúp khách hàng triển khai 2.7 tỷ giao dịch trên kênh số. Trong đó, riêng App MBBank có thời điểm ghi nhận 20 triệu giao dịch/ngày, với một hệ thống ổn định, an toàn, bảo mật. Lượng khách hàng giao dịch trên kênh số của MB hiện chiếm khoảng 96.7%, với tỷ lệ giao dịch thành công 99.96%; giữ vững vị trí top 1 quy mô Napas 3 năm liên tiếp.

Trong cuộc đua chuyển đổi số, MB đầu tư thiết kế lại toàn bộ trải nghiệm cho khách hàng trên nền tảng số. MB là ngân hàng dẫn đầu nhiều xu thế – rút tiền ATM không cần thẻ, tài khoản số đẹp, tài khoản trùng với số điện thoại, miễn phí dịch vụ, thanh toán bằng mã QR… cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai tính năng nhận diện thông tin tài khoản lừa đảo một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp khách hàng thêm an tâm khi chuyển tiền.

Ông Phạm Như Ánh – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc MB cho biết: “Chúng tôi phát triển tập trung vào khách hàng, đặt khách hàng là trung tâm. Với mạng lưới chỉ có trên 360 điểm giao dịch và nhân sự riêng ngân hàng trên 11.000 người, MB hiện phục vụ được 30 triệu khách hàng với doanh thu tăng trưởng hàng năm từ 25-30%. Bên cạnh đó, hiệu quả bình quân trên đầu người và hiệu quả trên điểm giao dịch của MB đang tốt nhất trên thị trường hiện nay”.

Việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số đã giúp MB số hóa đến xấp xỉ 97% giao dịch trên các kênh số, đồng thời mang lại trải nghiệm khách hàng vượt trội. Trong 3 năm gần đây, MB luôn duy trì mức tăng trưởng doanh thu bình quân 25-30% mỗi năm và hiệu quả kinh doanh luôn nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận cao nhất. Đặc biệt, ROE của MB luôn giữ ở mức 22-24% trong 5 năm qua – con số khá cao so với bình quân ngành.

Đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019 đã ảnh hưởng lớn đến việc định hướng lại chiến lược phát triển của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Khi đó, việc phát triển doanh nghiệp bền vững theo các tiêu chí ESG (bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp) không còn là lựa chọn mà trở thành quyết định mang tính sống còn.

Tại MB, ESG đã được Ngân hàng thực hành từ lâu, chỉ vì một văn hóa rất đơn giản của những lãnh đạo, cổ đông quân đội từ những ngày đầu thành lập truyền lại: Việc nào tốt cho khách hàng, cho đất nước và tương lai thì MB sẽ chọn để làm. Văn hóa tận tâm phục vụ khách hàng và cống hiến cho xã hội đã thấm nhuần một cách tự nhiên trong việc điều hành hệ thống MB qua nhiều thế hệ, đã chỉ lối cho MB thực hành ESG một cách tự nhiên.

Hướng đến phát triển bền vững, quy mô tín dụng xanh của MB ngày càng được mở rộng. Đến nay, MB đã đầu tư 65,000 tỷ đồng cho ESG. Tín dụng xanh tập trung vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (gần 80%).

Bên cạnh các dự án xanh vì mục đích môi trường, với dòng vốn ưu tiên lên tới hàng ngàn tỷ đồng và định hướng cùng các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định về môi trường; MB còn chú trọng những khoản vay – gói hỗ trợ cấp vốn vì mục đích xã hội cho đối tượng khách hàng cá nhân/hộ kinh doanh, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tái thiết cuộc sống sau bão lũ của khách hàng.

Ngoài ra, sự phát triển tín dụng xanh đã giúp MB mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh và gia tăng hiệu quả hoạt động. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Ngân hàng, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả khách hàng và môi trường.

“Trong những năm tiếp theo, MB kiên định với mục tiêu trở thành ‘Doanh nghiệp số, tập đoàn tài chính dẫn đầu’, ưu tiên phát triển bền vững, củng cố chất lượng các mặt hoạt động, đầu tư nguồn lực, các nền tảng cho chiến lược phát triển dài hạn”, ông Ánh nói thêm.

Cát Lam

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI



Source link