Chi tiết

Lực đẩy GMD

Bieu do T7
Sản lượng hàng hóa qua toàn hệ thống cảng GMD.

GMD là một trong những doanh nghiệp cảng biển và logistics hàng đầu tại Việt Nam với mảng kinh doanh chính là khai thác cảng. Tập đoàn này hiện đang sở hữu nhiều cảng lớn, gồm Nam Đình Vũ, ICD Nam Hải, ICD Phước Long, Gemalink và cảng hàng rời Dung Quất.

Lợi nhuận giảm sút

GMD vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 1.181 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu tài chính quý 2/2024 đạt 28 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do trong quý 2/2023, GMD đã ghi nhận khoản lãi đột biến từ việc bán vốn tại Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải Đình Vũ. Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh, GMD ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 511 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của GMD đạt 2.187 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm tới 51%, còn 1.219 tỷ đồng. Năm 2024, GMD đặt mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng, tăng 4% và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.686 tỷ đồng, giảm 46%. Sau nửa đầu năm 2024, GMD đã hoàn thành 54,6% kế hoạch doanh thu và 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Để tăng lợi nhuận, Ban Lãnh đạo GMD đặt ra các tham vọng vực dậy tình hình kinh doanh của GMD bằng việc đẩy mạnh liên minh với các hãng tàu trên thế giới và tăng cường triển khai các dự án mới nhằm tạo thế chân kiềng cho việc phát triển bền vững.

Liên minh với các hãng tàu

Từ năm 2024 – 2025, thị trường vận tải container qua đường biển trên toàn cầu sẽ có các đối thủ cạnh tranh lớn, như liên minh Ocean gồm các hãng tàu CMA-CGM (Pháp), COSCO (Trung Quốc) và Evergreen (Đài Loan, Trung Quốc); liên minh The Alliance gồm các hãng tàu ONE (Nhật Bản), Yang Ming (Đài Loan, Trung Quốc) và HMM (Hàn Quốc); liên minh Gemini gồm các hãng tàu Maersk (Đan Mạch) và Hapag-Lloyd (Đức); 01 hãng tàu lớn MSC.

gmd.jpg

Trong đó, Ocean là liên minh lớn nhất trên thị trường với tổng công suất đạt 6 triệu Teus. Liên minh này hiện đang thống trị 2 tuyến hàng hải quan trọng nhất thị trường là châu Á – châu Âu và xuyên Thái Bình Dương.

Gemalink là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất Việt Nam, với khả năng đón được các siêu tàu lớn trên thế giới. Cảng được đầu tư bởi Tập đoàn GMD và CMA Terminals thuộc hãng tàu CMA-CGM (Pháp). Trong thời gian tới, hãng tàu CMA-CGM cam kết tăng lượng tàu ghé cảng Gemalink. Đồng thời, nhiều hãng tàu cũng sẽ nhận nhiều tàu đóng mới trong năm 2024 nhằm mở thêm tuyến hoặc các chân cảng để tối ưu khả năng khai thác. Qua đó, cảng Gemalink có thêm 1 – 2 tuyến dịch vụ mới trong năm nay.

Nhờ sự hợp tác liên minh này, GMD đã liên tục bổ sung thêm nhiều tuyến tàu mới, đem về nguồn hàng lớn cho doanh nghiệp này. Theo BVSC, sản lượng hàng lưu thông qua toàn hệ thống cảng GMD dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đạt hơn 20% đến từ đà phục hồi chung của ngành và năng lực cạnh tranh được củng cố tại cả các cảng khu vực miền Nam và miền Bắc.

Kỳ vọng từ các dự án mới

Gemalink 2A và Nam Đình Vũ 3 đang trong quá trình triển khai pháp lý, dự kiến có thể khởi công trong cuối năm 2024 và đưa vào hoạt động từ 2026, bổ sung thêm 1,5 triệu Teus công suất cho GMD. Tuy nhiên, phải mất khoảng 2-3 năm để Nam Đình Vũ 3 đạt trên 70% công suất do tình trạng cạnh tranh gay gắt tại cảng Hải Phòng hiện nay khi bến Lạch Huyện 3, 4 dự kiến bắt đầu khai thác từ giữa năm sau với công suất 1,2 triệu Teus.

Trong khi đó, Gemalink 2A có thể sẽ chỉ mất hơn 1 năm để đạt trên 70% công suất do Gemalink 1 hiện đã bắt đầu phải hoạt động vượt công suất, và trong 3 năm tới khu vực Cái Mép Thị Vải không có thêm dự án nào được triển khai. Hiện nay, các dự án lớn như Cái Mép Hạ hay cảng Cần Giờ chưa có tiến triển, nếu được phê duyệt cũng cần ít nhất 3-5 năm để có thể đưa vào hoạt động.

Sử dụng phương pháp định giá từng phần cho GMD bao gồm: (1) Hoạt động kinh doanh cốt lõi + lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết, (2) Dự án Gemalink và (3) Dự án cao su và bất động sản, KB Securities Việt Nam khuyến nghị mua cổ phiếu GMD với mức giá mục tiêu 93.900 VND/cp, tương đương với mức tăng giá tiềm năng 21,2% so với mức giá đóng cửa 77.500 VND/cp ngày 12/09/2024 dựa trên các giả định: Thứ nhất, hệ thống cảng Nam Đình Vũ 1+2 dự kiến sẽ đạt 99% công suất trong 2024 và hoạt động vượt công suất vào 2025. Thứ hai, giá cước dịch vụ cảng trung bình năm 2024 và 2025 dự kiến tăng ở mức 8% và 4% so với trung bình năm trước, duy trì tăng ở mức 4 – 5%/năm từ nay đến 2030.

511ỷ đồng là lợi nhuận trước thuế quý 2/2024 của GMD, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2023.

Source link