Các doanh nghiệp quan tâm những yếu tố nào để ra quyết định trong sản xuất kinh doanh những tháng còn lại của năm 2024?
>>> Chính sách tiền tệ đang đảo chiều?
Khảo sát được công bố tháng 5/2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với đối tượng là các nhà kinh tế trưởng cho thấy, trong nhóm các yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp ra quyết định trong thời gian còn lại của năm, thì “sức khỏe tổng thể của nền kinh tế” có sự quan tâm rõ nhất trong tỷ lệ phần trăm người trả lời. Có tới 55% nhà kinh tế trưởng trả lời ở phương án “hơi chắc chắn” và 45% còn lại trả lời “cực kỳ chắc chắn”.
Một số yếu tố được quan tâm kế tiếp, đáng chú ý “quyết định chính sách tiền tệ”; “yếu tố địa chính trị”, “yếu tố chính trị trong nước”. 55% nhà kinh tế trưởng trả lời “hơi chắc chắn” về “quyết định chính sách tiền tệ”. 61% trả lời “cực kỳ chắc chắn” về “yếu tố địa chính trị”. Với “yếu tố chính trị trong nước”, 39% trả lời “hơi chắc chắn”, 32% “cực kỳ chắc chắn” và chỉ có 11% “hơi không chắc chắn”, 18% cho rằng “có khả năng hoặc không”. Mối quan tâm của các doanh nghiệp theo các nhà kinh tế trưởng, rõ ràng đang đặt tâm điểm chú ý đến những viễn cảnh có thể xảy ra vì rủi ro vĩ mô toàn cầu, và một phần là sự ổn định hoặc bất ổn tác động đến chính sách của các nước.
>>> Bình thường hóa tiền tệ và dư địa cho tỷ giá
Điều này xuất phát từ bối cảnh căng thẳng địa chính trị đã và đang có nguy cơ tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, thương mại, giá cả hàng hóa cũng như tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường tài chính lẫn dòng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, theo Chứng khoán Sinhan -SSV, các cuộc bầu cử trên khắp thế giới cũng có thể tác động đáng kể đến định hướng của nền kinh tế toàn cầu. Một số thống kê cho thấy ước sẽ có khoảng 100 quốc gia, trong đó có Mỹ, sẽ tiến hành các cuộc bầu cử và có thể có những bất ngờ ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị toàn cầu.
Trong vị thế của một quốc gia ngày càng khẳng định vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có một số rủi ro vĩ mô đặc biệt liên quan đến diễn biến ứng phó lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt của các NHTW hàng đầu, đi đầu là FED, bên cạnh các yếu tố bầu cử và rủi ro địa chính trị. Rủi ro về VND có khả năng mất giá và lạm phát nóng lên, theo các chuyên gia SSV, dự kiến là những rủi ro chính thách thức ổn định kinh tế vĩ mô và đạt đến mục tiêu tăng trưởng.
Theo chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered, ông Tim Leelahaphan, “Việt Nam có thể còn phải đối mặt với những thách thức trong quý III, trong bối cảnh của áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu”. Tuy nhiên, thông tin lạc quan là nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục hồi phục và các định chế quốc tế như WB, IMF, ADB hay các định chế trong khu vực như Maybank Group, UOB, Shinhan Bank… đều dự báo Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP năm 2024 từ 5,8-6,2% (tùy dự báo của từng tổ chức).
Với những mối quan tâm thấy rõ qua khảo sát đánh giá của các kinh tế gia về những yếu tố tác động đến quyết định của doanh nghiệp, bên cạnh những rủi rõ được dự báo trước, rõ ràng một chính sách tiền tệ giữ vững ổn định, linh hoạt theo hướng hỗ trợ tăng trưởng và đủ điều kiện để ứng phó với áp lực tỷ giá, đi kèm những thông điệp – tối ưu hơn là có lộ trình triển khai để các nhận định từ “hơi chắc chắn”, trở thành “cực kỳ chắc chắn” sẽ vô cùng cần thiết. Nói khác đi, là rất cần một lộ trình rõ ràng để củng cố niềm tin chính sách, giúp doanh nghiệp mạnh dạn trong kinh doanh.