Chi tiết

Lượng nhiên liệu hàng không bền vững ‘tăng quá thấp với kỳ vọng’

Sản lượng nhiên liệu hàng không bền vững năm 2024 ước đạt 1 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với dự báo 1,5 triệu tấn trước đó.

Thông tin trên được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) công bố ngày 10/12. Một triệu tấn nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) tương đương 1,3 tỷ lít, chiếm 0,3% lượng nhiên liệu hàng không toàn cầu và 11% nhiên liệu tái tạo toàn cầu.

Các hãng hàng không đang chuẩn bị bay, tháng 10/2021. Ảnh: Giang Huy

Các hãng hàng không đang chuẩn bị bay, tháng 10/2021. Ảnh: Giang Huy

Sản lượng này tăng gấp đôi so với năm 2023, nhưng được cho là chậm “đáng thất vọng”. Lý do là một số cơ sở sản xuất SAF tại Mỹ hoãn tăng công suất sang nửa đầu năm sau.

Ông Willie Walsh – Tổng giám đốc IATA – cho rằng các chính phủ đưa những tín hiệu “hỗn độn” tới các công ty dầu mỏ, khi họ vẫn tiếp tục được nhận trợ cấp để thăm dò và sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, các nhà đầu tư SAF dường như đang mong một sự đảm bảo kiếm tiền dễ dàng trước khi tăng hết công suất nhà máy.

“Biên lợi nhuận ròng của các hãng hàng không chỉ 3,6%, các nhà đầu tư SAF cần kỳ vọng lợi nhuận ở mức chậm và ổn định, không phải nhanh và mạnh. Đừng nhầm lẫn rằng các hãng hàng không rất muốn mua SAF và nhà đầu tư có thể kiếm được tiền khi thấy tương lai lâu dài của quá trình khử carbon”, ông Willie nói.

Nhiên liệu hàng không bền vững được đánh giá là phương án tiềm năng lớn nhất trong giảm lượng khí thải CO2 từ các hoạt động hàng không để đáp ứng cam kết của ngành hàng không phát thải ròng (net zero) bằng 0 vào năm 2050 theo Thỏa thuận khí hậu Paris, với mục tiêu tham vọng giảm 65% phát thải toàn ngành từ việc sử dụng nhiên liệu này.

Tuy nhiên, giá thành của SAF cao từ 2-6 lần nhiên liệu truyền thống JET A1 với nguồn cung hạn chế, hiện chỉ chiếm 0,3% lượng nhiên liệu hàng không.

IATA dự báo sản lượng SAF năm 2025 đạt 2,1 triệu tấn, tương đương 2,7 tỷ lít, chiếm 0,7% lượng nhiên liệu hàng không và 13% công suất nhiên liệu tái tạo toàn cầu.

Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phân tích của IATA cho thấy cần 3.000-6.500 nhà máy sản xuất SAF, đòi hỏi vốn đầu tư trung bình khoảng 128 tỷ USD mỗi năm trong 30 năm, thấp hơn đáng kể so với khoản đầu tư vào thị trường năng lượng mặt trời và gió (280 tỷ USD mỗi năm từ 2004-2022).

Bảo An


Nguồn tin: https://vnexpress.net/luong-nhien-lieu-hang-khong-ben-vung-tang-qua-thap-voi-ky-vong-4826573.html