Chi tiết

Lý do Mỹ dự kiến giảm lãi suất sau châu Âu

Lạm phát về cơ bản như nhau nhưng Mỹ được dự đoán sẽ giảm lãi suất vào tháng 9, muộn hơn châu Âu 3 tháng do kinh tế mạnh hơn.

Lạm phát đã giảm từ đỉnh ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng gần đây mức độ hạ tại Mỹ chậm lại. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở 2,7% trong tháng 3, tăng 0,2% so với mức 2,5% trong tháng 2.

Một thước đo khác về lạm phát là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng cho thấy xu hướng tăng tương tự. Trong tháng 3, CPI tăng 3,5% so với cùng kỳ 2023.

Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất vào tuần tới. Veronica Clark, chuyên gia kinh tế tại Citigroup, cho rằng Fed có thể sẽ không có đủ bằng chứng để hạ lãi suất sau tháng 6.

Fed duy trì lãi suất dao động 5,25 – 5,5% từ tháng 7/2023. Họ đã tăng lãi suất chính sách lên 525 điểm cơ bản từ tháng 3/2022. Thị trường tài chính Mỹ ban đầu dự kiến đợt cắt giảm đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng 3. Kỳ vọng đó bị đẩy lùi sang tháng 6, rồi tháng 9 khi dữ liệu về thị trường lao động và lạm phát tiếp tục tăng.

Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Chicago, Illinois ngày 22/11/2022 Ảnh: Reuters

Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Chicago, Illinois ngày 22/11/2022 Ảnh: Reuters

Trong khi đó, tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro, lạm phát giá tiêu dùng hàng năm chậm lại đều đặn từ đầu năm và dừng ở mức 2,4% trong tháng trước. Với diễn biến này, thị trường dự đoán Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có khả năng bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6, sớm hơn Fed 3 tháng.

Thậm chí, một kịch bản bất ngờ hơn là tăng lãi được các nhà hoạch định chính sách nghĩ đến. Đầu tháng này, Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết bà sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất “nếu lạm phát tiến triển chậm lại hoặc đảo ngược”.

Vậy lạm phát tại Mỹ đang cao hơn châu Âu? Thực tế, mức cao hơn về con số chủ yếu do khác biệt cách tính toán. Tại Mỹ, PCE và CPI đều tính đến chỉ số chi phí nhà ở của chủ sở hữu, nhằm theo dõi lạm phát triên thị trường bất động sản. Nó gồm các khoản chi phí liên quan đến sở hữu và sử dụng nhà như tiền thuê, bảo dưỡng, bảo hiểm. Tỷ trọng của chỉ số này trong rổ tính lần lượt là 13% và 32%.

Tuy nhiên, thước đo lạm phát ở châu Âu không tính chỉ số này, tức là 0%. Vì vậy, khi loại bỏ chi phí nhà ở giả định, Simon MacAdam, Phó giám đốc kinh tế toàn cầu tại Capital Economics nhận thấy rằng tỷ lệ lạm phát cơ bản (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) “rất giống nhau” giữa hai khu vực trong sáu tháng qua.

“Washington không gặp phải vấn đề cơ bản về áp lực giá quá mức trên diện rộng, trái ngược với một số nhận định gần đây của các nhà bình luận”, ông tuyên bố.

Nếu mức độ lạm phát về cơ bản là giống nhau ở hai bờ Đại Tây Dương, vì sao Fed và ECB được dự báo sẽ giảm lãi suất vào những thời điểm khác nhau?

Câu trả lời đơn giản là sức khỏe hai nền kinh tế. Carsten Brzeski, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ING, nói “sự khác biệt xuyên Đại Tây Dương lớn hơn khi nói đến tăng trưởng kinh tế”.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Mỹ tăng trưởng 2,7% năm nay, trong khi chỉ tăng 0,8% với khu vực đồng euro. Các công ty tại đây đang tuyển dụng ở mức kỷ lục, tạo thêm 303.000 việc làm trong tháng 3. Washington chi nhiều hơn các chính phủ châu Âu trong những năm gần đây để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Điều này khiến nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói với Reuters rằng nền kinh tế vẫn đang “bùng nổ hết công suất”, bất chấp dữ liệu sơ bộ tuần này cho thấy tốc độ tăng trưởng của Mỹ trong quý I yếu hơn dự kiến.

Trong khi đó, kinh tế châu Âu yếu hơn, một phần do tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng năng lượng. Khi xung đột Ukraine nổ ra năm 2022, giá khí đốt tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. Kết quả là CPI và PCE eurozone đạt đỉnh, lần lượt đạt 10,6% và 7,1% vào năm 2022.

Theo Brzeski, sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến nhiều khả năng lạm phát duy trì ở mức cao. Vì thế Fed do dự hơn ECB trong cắt giảm lãi suất. Nhìn rộng hơn, nhu cầu tiêu dùng của Mỹ có vẻ mạnh mẽ hơn. Tháng trước, sau khi được điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng thực tế tăng 0,5%.

Điều này diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, là 3,2%. Tuy nhiên, Michael Pearce, Phó giám đốc kinh tế Mỹ tại Oxford Economics, cho rằng tiết kiệm thấp không phải là mối lo ngại lớn. Theo ông, điều này chủ yếu phản ánh trạng thái mạnh mẽ của tài chính hộ gia đình.

Đồng tình, Brzeski cho rằng tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình ở Mỹ bắt đầu giảm nghĩa là người dân sẵn sàng tiêu tiền tiết kiệm. Trong khi, “các hộ gia đình châu Âu thận trọng hơn một chút”, ông nhận định.

Davide Oneglia, Giám đốc kinh tế vĩ mô toàn cầu và châu Âu tại Công ty nghiên cứu TS Lombard đồng quan điểm. “Người Mỹ háo hức chi tiêu hơn vì có thể họ nhìn thấy triển vọng tốt hơn trên thị trường lao động”, ông nói.

Trong lúc này, tại châu Âu, ECB càng có tự tin để sớm giảm lãi suất. Khảo sát vừa công bố của tổ chức này cho hay người tiêu dùng khu vực đồng euro dự đoán lạm phát trong 12 tháng tới ở mức 3%. Mức này ít hơn 0,1% so với kết quả khảo sát trước đó và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

Phiên An (theo CNN, Reuters)


Nguồn tin: https://vnexpress.net/ly-do-my-du-kien-giam-lai-suat-sau-chau-au-4739778.html