Tại Báo cáo đánh giá về hoạt động thông tin điện tử năm 2024, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận mạng xã hội trong nước đã có những nỗ lực, bứt phá để thu hút người dùng, trong đó có YooLife.
Sáng tạo, chia sẻ nội dung ảo hóa
Đầu tháng 11-2024, chỉ sau vài ngày ra mắt, nền tảng YooLife đã vươn lên vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng mạng xã hội của kho ứng dụng App Store tại Việt Nam. YooLife cũng đạt vị trí thứ 4 về ứng dụng miễn phí phổ biến trên Google Play.
Sức hút mà YooLife tạo ra với người dùng, nhất là giới trẻ, là nhờ các giá trị của dân tộc được kết tinh qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước được tái hiện bằng công nghệ thực tế ảo 360 độ (VR360) chân thực, sống động. Trong đó, dự án ảo hóa VR360 Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ra mắt hồi đầu tháng 11-2024 đã nhận được hàng triệu lượt truy cập trực tuyến cùng nhiều phản hồi tích cực.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, nhà sáng lập nền tảng số YooLife, cho biết ông cũng bất ngờ trước sự quan tâm rất lớn của người dùng khi trải nghiệm không gian ảo hóa Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nhiều người dù không tới trực tiếp vẫn có thể “tham quan online” các không gian, tìm hiểu hiện vật của lịch sử quân sự.
Từ thành công này, YooLife tiếp tục thực hiện ảo hóa tái hiện lịch sử 80 năm vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam; đưa các không gian điện Thái Hòa (Đại Nội Huế), Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu Quốc Tử Giám… ra mắt trên nền tảng. Nền tảng mạng xã hội này dự kiến tiếp tục hướng tới ảo hóa hàng loạt di sản văn hóa, di tích lịch sử trên khắp đất nước, như 36 phố phường ở Hà Nội, Đài Chiến thắng Đồng Xoài ở Bình Phước…
Dù YooLife nhận được nhiều sự quan tâm, ông Tùng vẫn cho rằng chưa thể coi là thành công. Theo ông, để mạng xã hội hoạt động bền vững, cần thu hút và giữ chân người dùng lâu dài. “Không thể copy người dùng, copy nội dung. Điều quan trọng là nghiên cứu và tìm ra hướng đi riêng thông qua các giải pháp công nghệ” – chuyên gia công nghệ này nhấn mạnh.
Thực tế, phát triển mạng xã hội ở Việt Nam là chuyện không dễ. Một số mạng xã hội Việt từng ra đời và “đi vào dĩ vãng” do không thể thu hút được người dùng. Trong khi đó, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok, YouTube, Instagram… đang chiếm thị phần áp đảo tại Việt Nam.
“Nếu như YouTube thành công nhờ kết nối chia sẻ video dài; TikTok chia sẻ video giải trí ngắn; Facebook chia sẻ, cập nhật nội dung, hình ảnh… thì với YooLife, người dùng có thể sáng tạo, chia sẻ các nội dung ảo hóa bên cạnh video ngắn và ảnh” – ông Tùng nói về lối đi riêng.
Thông qua việc tương tác trực tiếp với hình ảnh, video 360 độ của YooLife, người xem sẽ có cảm giác như đang hiện diện tại chính không gian thực. Họ có thể dễ dàng chọn vị trí, góc nhìn, phóng to, thu nhỏ hay tra cứu các thông tin liên quan.
Mục tiêu thu hút 1 triệu người dùng
Theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, bài toán cực khó khi giải quyết các thách thức trên mạng xã hội là kiến tạo cộng đồng người dùng đủ lớn, sáng tạo nội dung (content) và làm sao để họ yêu thích các tính năng công nghệ mới hữu ích.
Nền tảng mạng xã hội còn phải giải quyết tốt bài toán kiểm soát content, sao cho nội dụng “sạch” mà vẫn thu hút người dùng lựa chọn. “Không thể nói là “mạng xã hội của tôi tốt, các bạn hãy dùng đi”. Nền tảng của mình phải có sức hút để người dùng tải app và sử dụng hằng ngày” – ông Tùng nhìn nhận.
Hiện nay, YooLife kiểm duyệt nội dung thông qua công cụ lọc, loại bỏ người dùng vi phạm quy định 7.000 từ cấm được sử dụng trên mạng xã hội. Các hình thức xử phạt là ẩn bài, ngăn chặn tài khoản được sử dụng. Nền tảng này vẫn đang nghiên cứu phương thức kiểm duyệt nội dung song song thông qua trí tuệ nhân tạo (AI).
“Chúng tôi mong muốn nền tảng của mình trở thành đại sứ công nghệ, địa chỉ đỏ về văn hóa, lịch sử, du lịch Việt Nam, hay nói cách khác là “kim chỉ nam” – nơi lưu trữ ký ức, điểm hẹn tương lai của người Việt. Vì vậy, YooLife rất mong muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người dùng, sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan để bảo đảm chất lượng thông tin” – nhà sáng lập YooLife bày tỏ. Do còn non trẻ, YooLife rất mong được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, có cơ chế thử nghiệm sản phẩm công nghệ và tham gia các vườn ươm công nghệ….
Ông Trần Quang Hưng – Phó Bí thư Thành Đoàn TP Hà Nội, Giám đốc Cung Thanh niên Hà Nội – cho rằng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các nhà sáng tạo, ứng dụng công nghệ phải làm thế nào để biến lợi thế về lịch sử, câu chuyện lịch sử, văn hóa trở thành sản phẩm văn hóa, tiếp cận với thanh niên, vừa làm công cụ truyền tải lịch sử, văn hóa vừa là cơ hội để sáng tạo nội dung.
“Tôi mong muốn các bạn trẻ dùng YouTube, TikTok nhiệt thành hãy trở thành nhà sử dụng thông thái ứng dụng mạng xã hội của Việt Nam, nhất là khi các nên tảng này mang lại cho chúng ta bài học lịch sử sinh động và hào hùng” – ông Hưng nhấn mạnh.
Đây cũng là con đường đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ số “make in Vietnam”, góp phần tạo nên bước chuyển mạnh mẽ của đất nước. Nhà sáng lập nền tảng số YooLife đặt mục tiêu thu hút 1 triệu người dùng trong năm 2025. Ông Tùng thừa nhận dù hành trình khởi đầu đã hái được trái ngọt nhưng con đường sắp tới không hề dễ dàng, trong bối cảnh nhiều nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Chú trọng kiểm định nội dung
Trung tá – TS Trần Hữu Huy, cán bộ Viện Lịch sử Quân sự – Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, kỳ vọng mạng xã hội YooLife trở thành “kho” lịch sử, văn hóa số; mở ra hướng đi mới tích cực, giúp ích cho việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa của đất nước.
Ông Huy cũng lưu ý vì là mạng xã hội nên khâu kiểm định nội dung cần được chú trọng. Bởi lẽ, lịch sử chỉ diễn ra một lần, không thể lặp lại, trong khi nhận thức và tuyên truyền lịch sử phải có thời gian nghiên cứu kỹ; phải thực hiện bằng tâm huyết, trách nhiệm với thế hệ đi sau. Người dùng cũng cần đưa thông tin trung thực nhất, chọn lọc nội dung chính xác về lịch sử của đất nước lên mạng xã hội.