Phía sau mức dư nợ cho vay margin cao kỷ lục trong quý III/2024 là một vài câu chuyện đáng lo từ nội tại nhiều doanh nghiệp niêm yết.
VN-Index chưa thể vượt mốc 1.300 điểm trong hai năm qua |
Sau đợt hồi phục của VN-Index từ mức đáy 1.185 điểm đầu tháng 8, dư nợ margin trên thị trường chứng khoán tăng kỷ lục, phản ánh kỳ vọng cao vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tính đến phiên 25/10, VN-Index đã phục hồi khoảng 70 điểm (6%) nhờ dòng tiền lớn đổ vào nhóm VN30, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng, đẩy nhiều mã trở lại mức đỉnh lịch sử. Thanh khoản VN30 hiện chiếm hơn một nửa tổng giao dịch thị trường, cho thấy dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm vốn hóa lớn.
Hiện tại, VN30 duy trì khoảng cách 70 điểm so với VN-Index, khác biệt so với giữa năm 2023 khi nhà đầu tư ưu tiên cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đẩy VN-Index vượt VN30. Sự ổn định của nhóm VN30 giúp các công ty chứng khoán dễ dàng cấp margin với tỷ lệ lớn.
Đà hồi phục này kéo theo việc tận dụng đòn bẩy tài chính ngày càng gia tăng. Tính đến cuối quý III/2024, dư nợ margin trên toàn thị trường vượt 230.000 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Các chuyên gia dự báo, khi VN-Index hoàn tất tích lũy quanh 1.200-1.300 điểm, dư nợ margin sẽ tiếp tục tăng, mở ra kỳ vọng về chu kỳ tăng trưởng mới.
Với vốn chủ sở hữu hiện tại, hầu hết công ty chứng khoán vẫn còn dư địa cho vay lớn. Chỉ một số ít đã gần chạm ngưỡng cho vay tối đa (không quá hai lần vốn chủ sở hữu). Điều này đồng nghĩa thị trường vẫn có khả năng mở rộng thêm khoảng 270.000 tỷ đồng dư nợ margin mà không ảnh hưởng lớn đến áp lực tài chính.
Ông Nguyễn Nhật Minh – chuyên gia quản lý tài sản cho rằng, ở nhóm chứng khoán, hầu hết các công ty Top đầu về môi giới đều ghi nhận dư nợ cho vay ký quỹ lớn. Phần lớn nguồn vay margin đến từ các giao dịch của doanh nghiệp, qua đó tạo nguồn lợi lớn cho công ty chứng khoán trong hai năm qua.
Ông Nguyễn Nhật Minh, chuyên gia quản lý tài sản |
Tuy nhiên, chất lượng dư nợ cho vay ký quỹ hiện có đôi chút băn khoăn khi nhà đầu tư cá nhân chưa dùng đòn bẩy nhiều. Dư nợ chủ yếu được thực hiện bởi nhóm nhà đầu tư tổ chức. Sự vận động này cho thấy nhiều doanh nghiệp không thể hoặc đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn từ kênh tín dụng ngân hàng, buộc phải mang cổ phiếu đi thế chấp tại các công ty chứng khoán để có tiền phục vụ sản xuất kinh doanh và vận hành. Với luận điểm này, một là các doanh nghiệp đã hết tài sản để thế chấp ngân hàng, hai là mức độ tín dụng đối với ngân hàng không đạt chuẩn để có thể tiếp cận vốn vay.