Chi tiết

Masan ứng dụng khoa học cảm quan trong phát triển sản phẩm

Khoa học cảm quan là yếu tố then chốt trong phát triển sản phẩm thành công của Masan Consumer (thuộc Tập đoàn Masan) nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Thông tin nêu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Đánh giá Cảm quan (Summer Programme In Sensory Evaluation – SPISE 2024) lần thứ 8 được tổ chức tại trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP HCM vừa qua. Tại sự kiện, bà Lê Thị Nga – Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển sản phẩm cấp cao của Masan Consumer cho rằng, một trong những thách thức đối với các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là việc phải liên tục đổi mới và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Masan Consumer đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng bằng cách phát triển các sản phẩm mới, không những tốt cho sức khỏe, có giá cả cạnh tranh, mà còn thơm ngon. Để đạt được tiêu chí ngon vượt trội, doanh nghiệp áp dụng hiệu quả khoa học cảm quan.

Bà Lê Thị Nga trình bày tại SPISE 2024, TP HCM ngày 27/7. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Bà Lê Thị Nga trình bày tại SPISE 2024, TP HCM ngày 27/7. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Khoa học cảm quan được doanh nghiệp triển khai tích hợp trong mô hình Consumer Innovative Center và Consumer-In-Love (CIC & CIL – Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm cùng với người tiêu dùng). Mô hình mới giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp, cùng phát triển sản phẩm và phục vụ cho chính nhu cầu của người tiêu dùng. Về mặt khoa học, mô hình mới cho phép triển khai đồng thời cả phương pháp định tính và phương pháp định lượng trong suốt quá trình phát triển sản phẩm mới.

Cụ thể, trong giai đoạn hoàn thiện ý tưởng, các nhà nghiên cứu áp dụng phương pháp thảo luận nhóm và phỏng vấn chuyên sâu với người tiêu dùng mục tiêu để hiểu mức độ yêu thích của họ và tìm ra các ý tưởng khả thi. Tiếp theo, giai đoạn phát triển công thức, hội đồng chuyên gia sẽ phân tích mô tả định lượng nhằm đánh giá các thuộc tính cảm quan quan trọng. Cuối cùng, trước khi thương mại hóa, sản phẩm được thử thị hiếu trên cùng nhóm người tiêu dùng mục tiêu để lựa chọn công thức thành công. Ngoài tính chất ngon, sản phẩm mới tại Masan được đánh giá và quản lý rủi ro chất lượng xuyên suốt vòng đời. Các chương trình kiểm soát chất lượng bằng cảm quan có một hội đồng chuyên gia để phát hiện lỗi sản phẩm và đảm bảo sự đồng bộ về chất lượng trên quy mô công nghiệp. Đội chuyên gia cảm quan tại Masan luôn được ưu tiên đầu tư với các chương trình tuyển dụng đặc biệt và đào tạo định kỳ.

Masan Consumer ứng dụng khoa học cảm quan xuyên suốt quá trình phát triển sản phẩm. “Đây thật sự là công cụ hỗ trợ đắc lực R&D để tạo các sản phẩm vượt trội. Khoa học cảm quan vì vậy tiếp tục là lợi thế cạnh tranh vượt trội của Masan Consumer để tăng tỷ lệ thành công cho các sản phẩm mới trên thị trường”, bà Lê Thị Nga cho biết.

Bà Lê Thị Nga (hàng trên, thứ ba từ trái sang) và đội ngũ R&D Masan chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia tham dự SPISE 2024. Ảnh: Masan Consumer Holdings

Bà Lê Thị Nga (hàng trên, thứ ba từ trái sang) và đội ngũ R&D Masan chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia tham dự SPISE 2024. Ảnh: Masan Consumer Holdings

Bên cạnh bài trình bày của đại diện Masan Consumer, SPISE 2024 còn có nhiều bài trình bày về mối quan hệ giữa sản phẩm, người tiêu dùng và ứng dụng khoa học cảm quan trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm cũng như ứng dụng công nghệ trong phân tích xu hướng người tiêu dùng. Các bài tham luận do các chuyên gia về lĩnh vực khoa học cảm quan (sensory science), nghiên cứu người tiêu dùng (consumer science), thống kê ứng dụng (applied statistics) và học máy (machine learning) trong nước và quốc tế trình bày. SPISE 2024 quy tụ hơn 100 giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đội ngũ R&D các doanh nghiệp đến từ nhiều nơi trên thế giới (Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Singapore…).

Phát biểu tại buổi khai mạc, PGS.TS. Huỳnh Kỳ Phương Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP HCM cho biết, SPISE ra đời năm 2005, từ một workshop đã phát triển thành một hội thảo quốc tế với 7 lần tổ chức. SPISE 2024 nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học cảm quan và phản ánh cam kết thúc đẩy đổi mới và hợp tác trong nghiên cứu khoa học không ngừng của ban tổ chức. SPISE 2024 với mục tiêu khám phá tác động mang tính chuyển đổi của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn đối với các phương pháp đánh giá cảm quan. “Sự năng động trong quá trình phát triển sản phẩm đòi hỏi các phương pháp tiếp cận nhanh hơn và linh hoạt hơn, đủ tính thách thức các phương pháp cảm quan hiện có”, PGS.TS. Huỳnh Kỳ Phương Hạ nói.

Khoa học cảm quan là một lĩnh vực nghiên cứu đa ngành, tập trung vào việc đo lường, phân tích và hiểu biết về cách con người cảm nhận và đánh giá các thuộc tính của sản phẩm thông qua các giác quan như thị giác, khứu giác, vị giác, thính giác, xúc giác. Khoa học cảm quan đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm và các sản phẩm tiêu dùng khác.

Khoa học cảm quan gồm 4 lĩnh vực chính gồm đánh giá cảm quan, nghiên cứu hành vi tiêu dùng, phát triển sản phẩm và cuối cùng là ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Theo các nhà khoa học, khoa học cảm quan không chỉ giúp các nhà sản xuất hiểu rõ hơn về sản phẩm của mình mà còn giúp họ nắm bắt được xu hướng và sở thích của người tiêu dùng. Nhờ vào những hiểu biết sâu sắc từ khoa học cảm quan, các doanh nghiệp có thể cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao trải nghiệm người dùng và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường.

Hoàng Anh


Nguồn tin: https://vnexpress.net/masan-ung-dung-khoa-hoc-cam-quan-trong-phat-trien-san-pham-4776147.html