Chi tiết

Mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng

Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025. Ảnh: SBV

Ngày 14/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2024, trong bối cảnh lãi suất thế giới neo ở mức cao, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.

Cơ quan này cũng đôn đốc các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của mình.

“Tỷ giá và thị trường ngoại tệ năm 2024 chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng do diễn biến kinh tế – chính trị quốc tế khó lường. Đồng USD quốc tế tăng mạnh cộng hưởng với những yếu tố khó khăn trong nước như chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng có thời điểm âm, cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong nhiều giai đoạn. Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để hạn chế áp lực tỷ giá, ổn định thị trường”, Phó Thống đốc cho biết.

Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Tính đến ngày 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Phó Thống đốc cũng cho biết, NHNN đã quyết liệt tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và tích cực xử lý các TCTD yếu kém. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được kết quả tích cực.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được, theo Phó Thống đốc, ngành ngân hàng cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong đó, mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng trong thời gian tới. Nhiều yếu tố bất trắc, khó dự báo trong thời gian tới có khả năng gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ như quan điểm chính sách khó lường từ Chính phủ mới của Mỹ. Lạm phát giảm chưa bền vững và tiềm ẩn áp lực tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Thị trường vàng vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy vẫn phải bảo đảm hoạt động bình thường, không gián đoạn của hệ thống ngân hàng

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: SBV

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao năng lực điều hành của NHNN và sự hợp tác của các ngân hàng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao cho ngành.

Định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu:

NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới để sẵn sàng các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá ổn định, hợp lý; kiểm soát tốt lạm phát, điều hành tín dụng phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế. Phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giảm nợ xấu cũng như các cân đối vĩ mô.

Phó Thủ tướng lưu ý việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của NHNN phải bảo đảm hoạt động bình thường của hệ thống ngân hàng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, không để gián đoạn.

Đề nghị NHNN và các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tinh thần “cả hai cùng thắng”. Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ vốn cho phát triển xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, năng lượng sạch.

Đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém; phòng, chống rửa tiền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế trong lĩnh vực ngân hàng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm minh bạch, bình đẳng giữa các ngân hàng, doanh nghiệp, bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng.

Tăng cường bảo mật và bảo đảm an toàn trong hoạt động thanh toán của ngân hàng; đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, thanh toán điện tử, nâng cao tiện ích cho khách hàng…

Ngoài ra, NHNN cần lưu ý và có chỉ đạo sát sao Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, phát huy tốt nhất công cụ tài chính của Chính phủ trong sự nghiệp xoá đói giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội đối với tầng lớp yếu thế và các chương trình mục tiêu của Nhà nước.



Nguồn