Đề án nghiên cứu xây dựng dự án cảng trung chuyển quốc tế tại cửa ngõ TP. HCM đã vượt qua vòng thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Vào trung tuần tháng 8/2024, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã gửi Báo cáo số 9008/BC-BGTVT lên Thủ tướng Chính phủ, trình bày kết quả thẩm định đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TP. HCM sau hai vòng thẩm định.
Đây là một bước tiến quan trọng để chủ trương xây dựng dự án cảng biển trung chuyển lớn nhất Việt Nam được chấp thuận. Việc phê duyệt đầu tư cho “siêu dự án” này sẽ được xem xét bởi cấp có thẩm quyền sau khi đề án nghiên cứu được thông qua.
Trong Báo cáo số 9008 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang ký, Bộ GTVT nhận định rằng đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Bộ GTVT nhận định rằng các nội dung của đề án thuộc nhiều lĩnh vực, một số không nằm trong thẩm quyền quản lý của Bộ, do đó UBND TP. HCM đã xin ý kiến các bộ, địa phương liên quan và tổ chức nhiều cuộc họp với chuyên gia để đánh giá.
Theo đó, Bộ GTVT cơ bản đồng ý với đề án phát triển khu bến cảng Cần Giờ thành trung tâm trung chuyển quốc tế, thu hút hãng tàu lớn và phát triển khu phi thuế quan liền kề. Tuy nhiên, Bộ đề nghị đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cho đầu tư và khai thác các bến chính và bến sà lan theo lộ trình.
Báo cáo cũng nhấn mạnh lợi thế vị trí tại cửa sông Cái Mép, gần tuyến hàng hải quốc tế, và chi phí bốc xếp thấp, tạo lợi thế cạnh tranh so với Singapore.
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển tại cửa ngõ TP. HCM |
Về vị trí cảng biển, Bộ GTVT cho biết đề án đã đánh giá và phân tích ưu, nhược điểm các vị trí quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, so sánh với khu bến Cái Mép và đánh giá tác động đến các cảng khác tại TP. HCM.
Hiện tại, khối lượng hàng trung chuyển tại Cái Mép rất nhỏ, chủ yếu là hàng từ Campuchia. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có hãng tàu nào có kế hoạch thiết lập đầu mối trung chuyển tại Cái Mép để gom hàng từ các nước trong khu vực về trung chuyển tại đây.
Vì vậy, cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ được đề xuất với mục tiêu khai thác phần lớn là hàng trung chuyển quốc tế do Hãng tàu Mediterranean Shipping Company (MSC) mang từ các nước khác về, tạo nên sự khác biệt rất lớn về phân khúc thị trường so với các cảng trên cả nước hiện nay.
Về tác động môi trường, Bộ GTVT yêu cầu UBND TP. HCM cần nghiên cứu kỹ lưỡng về phương án sử dụng vật liệu nạo vét để mở rộng đảo Thạnh An (cù lao Phú Lợi) về phía Tây và phía Nam đảo với tổng khối lượng vật chất nạo vét dự kiến tận dụng khoảng 21 triệu m3.
Cảng Cần Giờ do liên danh CTCP Cảng Sài Gòn, thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC (tên cũ Vinalines – HoSE: MVN) và Terminal Investment Limited Holding S.A – TIL (thành viên của hãng tàu biển MSC) đề xuất đầu tư hồi tháng 4/2023 với tổng vốn 113.531,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị Thủ tướng phê duyệt vốn đầu tư tối thiểu 50.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, dự án cảng Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến là 7,2km với quy mô 6,8km bến tàu mẹ, 1,9km bến sà lan. Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571ha; trong đó diện tích rừng phòng hộ ven biển 93,37ha, diện tích mặt nước 477,63ha. Cảng có thể đón tàu trọng tải lên tới 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEUs. Khoảng cách tuyến bến – biên luồng từ 340 – 393m. Công suất tối đa của cảng Cần Giờ là 16,9 triệu TEUs. Toàn dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2045. |