“Tôi đã thắng nhờ giá cả hàng tiêu dùng,” ông Donald Trump phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật vừa qua trên chương trình “Meet the Press.” Lạm phát cũng từng được ông nhấn mạnh suốt trong quá trình vận động, rằng ông cam kết sẽ chấm dứt “cuộc khủng hoảng lạm phát tàn khốc.”
Nhưng trái ngược với các tuyên bố đó, ngày càng nhiều nhà kinh tế Mỹ lo ngại rằng lạm phát ở Mỹ sẽ tăng khi ông thực hiện một số kế hoạch về thuế quan và nhập cư.
Tốc độ lạm phát đã giảm đáng kể trước cuộc bầu cử Mỹ, nhưng chi phí hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch. Dữ liệu lạm phát tháng 11 ở Mỹ công bố hôm thứ Tư vừa qua cho thấy tốc độ giảm giá đã chững lại.
Giá thực phẩm tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tức tăng 27% so với tháng 2/2020. Tổng thể giá tiêu dùng tăng 2,7% vào tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 2,6% của tháng 10.
Xét về khía cạnh kinh tế, cam kết của ông Trump về việc giảm giá xuống bằng hoặc dưới mức trước đại dịch gần như là không thể. Với nền kinh tế lớn nhất thế giới, đó sẽ là một thảm họa.
Nhiều biện pháp mà các nhà kinh tế đề xuất để giảm lạm phát, chẳng hạn như tăng cường đổi mới, giảm gánh nặng quy định hoặc nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động Mỹ, sẽ mất nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, để đạt hiệu quả.
Ngoài ra, nhiều yếu tố bên ngoài cũng có thể làm tăng giá ở Mỹ hay các nơi khác, như gián đoạn chuỗi cung ứng, thiên tai, xung đột trên các khu vực trên thế giới.
Trong các thông điệp của mình, ông Trump nói về việc giảm chi phí năng lượng thông qua cấp phép nhanh hơn và nới lỏng các quy định về môi trường—“khai thác, khai thác nữa.”
Giá dầu đang ở mức thấp so với đỉnh cao gần nhất năm 2022. Một đợt dư thừa nhiên liệu hóa thạch trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã gây ra áp lực nợ cho nhiều công ty khai thác, khiến họ tập trung hơn vào việc trả nợ, thay vì đầu tư vào sản xuất mới, WSJ nhận định.
Về mặt thương mại, Tổng thống đắc cử của Mỹ đã đe dọa áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc và các nước khác, như Mexico và Canada. Giá cả một loạt sản phẩm, bao gồm gỗ và dầu Canada, cũng như trái cây và rau quả từ Mexico, có thể tăng. Giá ô tô có thể cao hơn do các công ty xe hơi phụ thuộc vào mạng lưới sản xuất phức tạp giữa Mỹ, Canada và Mexico.
Những hạn chế nhập cư cũng có thể đẩy giá cả lên cao, đặc biệt đối với hàng hóa và dịch vụ từ các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư. Goldman Sachs ước tính rằng lao động nhập cư không có giấy tờ chiếm khoảng 13% trong ngành xây dựng và 16% trong ngành chế biến động vật.
Có thể thấy, cam kết giảm lạm phát của ông Donald Trump đang đối mặt với nhiều thách thức lớn từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Các biện pháp ông đưa ra, dù nhận được sự ủng hộ từ một số nhóm lợi ích, có lẽ tiềm ẩn nguy cơ làm tăng giá nhiều hơn cho người tiêu dùng Mỹ.