Chi tiết

MBBank (MBB) đang “rót” 36.900 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư

Phần lớn trong tổng giá trị chứng khoán đầu tư của MBBank (MBB) là trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank – mã chứng khoán MBB) công bố báo cáo tài chính quý II và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.

Về kết quả kinh doanh, quý II, MBBank báo lãi sau thuế 6.102 tỷ đồng, tăng trưởng 22,4% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 10.726 tỷ đồng, tăng trưởng 5,28%.

MBBank (MBB) đang 'rót' 36.900 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư

Hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm sút, tổng nợ xấu tăng 12%

Nhiều yếu tố tác động đến lợi nhuận của MBBank, bao gồm cả hoạt động kinh doanh cốt lõi. Báo cáo ghi nhận, thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm của MBBank đạt 19.593 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số 19.708 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái. Trong cơ cấu thu nhập lãi thuần, thu nhập lãi và các khoản tương tự đạt 33.213 tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ; chi phí lãi và các khoản tương tự cũng giảm 9,9% xuống còn 13.620 tỷ đồng.

Tổng thu nhập lãi của MBBank giảm 4,7% trong bối cảnh tổng dư nợ cho vay khách hàng đến cuối quý II đạt 673.799 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm. Chi phí lãi giảm 9,9% cũng trong bối cảnh tổng tiền gửi khách hàng đến cuối kỳ tăng 9% lên mức 618.617 tỷ đồng.

Nghịch cảnh này cho thấy tác động của việc hạ lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay giảm, ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của MB, dẫn tới thu nhập lãi thuần nửa đầu năm giảm.

Bên cạnh đó, chất lượng nợ vay cũng đang được nhiều người quan tâm khi loạt ngân hàng vừa báo cáo tình trạng nợ xấu tăng mạnh. Tại MBBank, tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 tăng 12,4% so với thời điểm đầu năm, lên trên 11.000 tỷ đồng. Trong số đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, đến 30%, lên 4.816 tỷ đồng; nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 14% lên 3.665 tỷ đồng; tuy vậy, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại giảm được 12% về mức 2.541 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% đầu năm lên 1,63%.

Phân tích về dư nợ theo thời gian, dư cho vay ngắn hạn chiếm khoảng 52% tổng cho vay khách hàng, đạt 353.078 tỷ đồng. Khách hàng của MB tập trung vào khách hàng cá nhân, công ty TNHH, và các công ty cổ phần.

Với việc tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh, MBBank cũng đã phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ.

MBBank (MBB) đang 'rót' 36.900 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư

MBBank (MBB) rót 36.900 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư

Góp một phần lớn khác vào lợi nhuận nửa đầu năm 2024 của MBBank là lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh. Tổng lãi nửa đầu năm đạt 1.411 tỷ đồng, gấp 8,8 lần cùng kỳ. Nửa đầu năm 2024, MBBank đã giảm đến 72% tổng giá trị đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, còn 12.308 tỷ đồng. Các khoản đầu tư của MB chủ yếu nhắm đến thị trường chưa niêm yết, chiếm đến 91% tổng giá trị đầu tư.

Ngoài chứng khoán kinh doanh, MBBank còn “đổ” gần 167.200 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư, trong đó có hơn 5.000 tỷ đồng chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và 162.163 tỷ đồng chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán.

MBBank đã phải trích lập dự phòng tổng cộng 590 tỷ đồng cho hoạt động này.

MBBank (MBB) đang 'rót' 36.900 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư

Trong tổng chứng khoán đầu tư của MBBank, có 36.913 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành, giảm 4% so với đầu năm. Theo giải trình của MB, chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành bao gồm các trái phiếu có kỳ hạn từ 3-6 năm, với lãi suất từ 6,1%/năm đến 11,6%/năm.



Nguồn tin