Chi tiết

Mixue thống lĩnh, TocoToco “lún sâu” vào lỗ

Thị trường trà sữa Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ của Mixue với tốc độ tăng trưởng vượt trội, trong khi đó TocoToco gặp khó khăn với thua lỗ kéo dài.

Bắt nguồn từ Đài Loan vào những năm 1980, trà sữa ban đầu chỉ là một loại nước giải khát thông thường. Tuy nhiên, trà đã nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu và trở nên phổ biến ngay cả trong những giai đoạn kinh tế khó khăn.

Tại Việt Nam, trà sữa du nhập vào đầu những năm 2000 và nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới trẻ. Không chỉ phổ biến trong nước, loại đồ uống này còn trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Năm 2013 đánh dấu bước ngoặt lớn của trà sữa với sự bùng nổ về nhượng quyền thương hiệu từ Hồng Kông và Đài Loan. Sự xuất hiện của các thương hiệu nổi tiếng với thiết kế bao bì bắt mắt cùng sự đa dạng sản phẩm đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng này.

Theo báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực năm 2023 của iPOS.vn, dựa trên nghiên cứu sơ cấp tại 63 tỉnh thành và phỏng vấn chuyên gia trong ngành, tần suất người Việt đi uống cà phê hoặc trà sữa đã tăng nhẹ so với năm 2022.

Cụ thể, 42,6% đáp viên cho biết họ đi uống cà phê hoặc trà sữa khoảng 1-2 lần mỗi tháng. Đáng chú ý, tỷ lệ người đi uống với tần suất 1-2 lần mỗi tuần đã tăng lên 30,4%, so với mức 22,6% của năm 2022.

Nguồn: Vietdata

Thị trường trà sữa Việt Nam hiện đang chứng kiến sự đối lập giữa hai doanh nghiệp dẫn đầu: Mixue và TocoToco. Trong khi Mixue đạt được tốc độ tăng trưởng thần tốc cả về doanh thu và lợi nhuận, TocoToco lại lún sâu vào thua lỗ trong 3 năm liên tiếp.

TocoToco ra mắt vào năm 2013, theo đuổi hướng đi khác biệt với chủ trương sử dụng nông sản Việt Nam để làm đồ uống, từ đó định vị thương hiệu “trà sữa made in Việt Nam”. TocoToco nhanh chóng mở rộng với hơn 700 cửa hàng trên toàn quốc và thâm nhập vào các thị trường quốc tế như Mỹ, Úc, Nhật Bản.

Thị trường trà sữa

Nguồn: Vietdata

Dù có sự tăng trưởng ấn tượng từ năm 2021 đến 2022 (tăng gần 50%), TocoToco lại chứng kiến sự sụt giảm doanh thu vào năm 2023. Doanh thu thuần năm 2023 đạt gần 380 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022, và lợi nhuận sau thuế tiếp tục lỗ trong ba năm liên tiếp, với mức lỗ cao nhất vào năm 2023.

Để vượt qua khó khăn, TocoToco đặt mục tiêu đạt 1.500 cửa hàng vào năm 2024, mở rộng mạng lưới toàn quốc và phát triển tại các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada.

Mixue là thương hiệu trà sữa và kem đến từ Trung Quốc, được thành lập vào năm 1997 bởi Zhang Hongchao. Gia nhập thị trường Việt Nam năm 2008, Mixue đã nhanh chóng phát triển với tên gọi Công ty TNHH Snow King Global, đặt trụ sở tại Thanh Xuân, Hà Nội. Đến tháng 4/2023, Mixue đã đạt mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam chỉ trong chưa đầy 5 năm.

Sản phẩm chủ lực của Mixue là trà sữa và kem, với lợi thế cạnh tranh về giá cả phải chăng, trung bình dao động từ 25.000 – 35.000 đồng. Khi thị trường trà sữa Việt Nam đạt đến ngưỡng bão hòa, Mixue đã linh hoạt chuyển trọng tâm sang kem tươi, đồng thời tinh gọn menu trà sữa, nhắm đến đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên.

Theo Vietdata, Mixue đã ghi nhận doanh thu gần 1.260 tỷ đồng trong năm 2023, tăng hơn 160% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng hơn 200%, nhờ doanh thu từ nhượng quyền thương hiệu đóng góp lớn vào hiệu quả tài chính.

Lợi nhuận trà sữa

Nguồn: Vietdata

Một trong những thương hiệu trà sữa “hot hit” là Ding Tea. Ding Tea là một thương hiệu trà sữa nổi tiếng từ Đài Loan với hơn 650 chuỗi cửa hàng trên toàn thế giới. Họ gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2013 và hiện tại có gần 200 cửa hàng trải dài khắp cả nước. Ding Tea được chứng nhận chất lượng từ nhiều tổ chức quốc tế. Thương hiệu này không chỉ được chứng nhận bởi SGS Đài Loan mà còn vượt qua 231 bài test của chính phủ Nhật Bản để được cấp phép nhập khẩu.

Định vị của Ding Tea là thương hiệu trà sữa gần gũi, luôn thể hiện tinh thần trẻ trung và tìm kiếm khẩu vị phù hợp với số đông. Đây là thương hiệu sử dụng tốt sức mạnh truyền miệng, chứ không tốn nhiều giấy mực quảng cáo. Đồng thời, thương hiệu không mấy khi đưa ra chương trình khuyến mãi nhằm tránh việc hạ giá liên tục, giữ chân khách hàng bằng giá cả.

Năm 2022, Ding Tea tăng trưởng đột phá, doanh thu tăng trên 35% và lợi nhuận sau thuế tăng lên đến gần 160%. Tuy nhiên, năm 2023, doanh thu thuần của Ding Tea giảm xuống còn 30 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh, giảm hơn 80% so với năm trước. Doanh thu giảm cùng với chi phí cao dẫn đến việc lợi nhuận giảm mạnh. Ding Tea có thể đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí hoặc trong việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo tình hình thị trường hiện tại…

Tưởng chừng như thị trường trà sữa bắt đầu bão hòa, trà sữa đậm vị nổi lên như một “làn gió mới” tạo thành một trào lưu bùng nổ. Phê La là thương hiệu tiên phong cho trào lưu đó, mới ra đời vào năm 2021, đã nhanh chóng bành trướng lên 23 cửa hàng trên toàn quốc, hầu hết đều có diện tích vài trăm mét vuông và được đạt tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP HCM.

Quán nổi bật với việc sử dụng nguyên liệu nông sản Việt Nam, đặc biệt là trà Ô Long đặc sản từ Đà Lạt. Menu của Phê La khá đa dạng với sản phẩm được sử dụng nhiều phương pháp pha chế độc lạ nên mức giá cũng khá đắt rơi vào khoảng 40.000-60.000 đồng/ly. Gần đây, tháng 6/2024 Phê La thông báo mở quán từ 4h-23h để phục vụ các bạn trẻ đi uống trà sữa sáng sớm, đón bình minh thu hút được sự chú ý rất lớn từ những tín đồ trà sữa.

Phê La, một thương hiệu trà sữa thuần Việt mới thành lập, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các tín đồ trà sữa. Trong năm 2023, Phê La đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt cả chục tỷ đồng. Đây là những tín hiệu khởi đầu tích cực, cho thấy Phê La có tiềm năng lớn để tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai.



Nguồn tin