“Đất vàng” xây dựng Trung tâm tài chính
Tại Đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam vừa được Bộ KH&ĐT công bố, Bộ KH&ĐT kiến nghị xây dựng 02 TTTC ở TP.HCM và Đà Nẵng; trong đó, xây dựng và phát triển TTTC quốc tế toàn diện tại TP.HCM, TTTC khu vực ở Đà Nẵng bước đầu phát triển một số dịch vụ tài chính quốc tế, trọng điểm gắn với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) gắn với đổi mới sáng tạo mà Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về “Tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng” đã cho phép thí điểm, tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy việc hình thành TTTC khu vực tại Đà Nẵng.
Cụ thể, tại TP.HCM là khu vực Quận 1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Tại TP. Đà Nẵng đề xuất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần tại khu lõi gồm các Lô đất A12, A13, A14, A15 trên đường Võ Văn Kiệt và Lô đất A* giáp đường Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt với diện tích hơn 6 ha, có thể mở rộng thành khu phố tài chính là vùng diện tích địa lý nằm tại khu công nghiệp Đà Nẵng với diện tích khoảng 62 ha; đồng thời phát triển Trung tâm công nghệ tài chính ở Khu Tây Bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7 ha.
Đây là giới hạn không gian địa lý đề xuất áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút các định chế tài chính (ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính…) và tạo lập các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ (và cả hàng hoá), ưu tiên phát triển các lĩnh vực tài chính mới như fintech, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mô hình “kết hợp”
Trên thế giới có 03 mô hình phát triển TTTC: Mô hình “cải cách và hiện đại hóa”; Mô hình “độc lập và chuyên biệt”; Và mô hình “kết hợp”.
Mỗi mô hình đều có ưu điểm nhược điểm, trong đó, mô hình TTTC kết hợp là mô hình giao thoa giữa sự đột phá của mô hình TTTC độc lập với việc cải cách chính sách và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo lộ trình dài hạn của mô hình “cải cách và hiện đại hóa”.
Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình phát triển TTTC trên thế giới; căn cứ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cũng như đặc điểm, tình hình, trình độ phát triển kinh tế – xã hội và nguồn lực thực tiễn của Việt Nam, Bộ KH&ĐT đề xuất phát triển TTTC theo mô hình “kết hợp”, có chọn lọc các ưu điểm của các mô hình trên thế giới, phù hợp với đặc điểm và bối cảnh của Việt Nam.
Trong đó, sẽ lựa chọn từng nhóm chính sách phù hợp với lợi thế và điều kiện phát triển của Việt Nam và các địa phương để áp dụng có kiểm soát, theo lộ trình cho các chủ thể hoạt động tại TTTC, trong phạm vi các giao dịch tài chính giữa các chủ thể này với nhau và với quốc tế. Đối với các giao dịch giữa các chủ thể tại TTTC và phần còn lại của đất nước sẽ thực hiện theo quy định và pháp luật chung hiện hành.
Mục tiêu tổng quát
Phát triển thị trường tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính để phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội các địa phương có TTTC nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hiện đại, tiên tiến, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế; thúc đẩy quá trình tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới của Việt Nam.
Giới hạn khu vực địa lý để xây dựng TTTC với các cơ chế chính sách vượt trội, theo thông lệ quốc tế nhưng từng bước, có kiểm soát theo lộ trình 02 giai đoạn, cụ thể:
Giai đoạn 1: Lựa chọn một số chính sách đặc thù phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam để áp dụng ngay hoặc có lộ trình rõ ràng, cụ thể, công khai (Bao gồm các đặc thù về: Cơ quan quản lý TTTC; Đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh; cho phép sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, ngoại tệ trong các giao dịch tài chính tại TTTC; Cho phép thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, thông lệ quốc tế đối với các giao dịch tài chính quốc tế; Cho phép áp dụng thuế, visa, giấy phép lao động đặc thù).
Những chính sách đặc thù này nhằm: Hình thành các điều kiện nền tảng của TTTC tại Việt Nam để tiến tới trở thành một TTTC toàn diện; Tạo đột phá so với các TTTC trong khu vực để thu hút dòng vốn đầu tư tài chính dịch chuyển trong một số lĩnh vực phù hợp với lợi thế cạnh tranh và định hướng phát triển của TTTC Việt Nam.
Giai đoạn 2: Từng bước nghiên cứu áp dụng các chính sách còn lại theo lộ trình phù hợp với thực trạng phát triển của TTTC và điều kiện chung của Việt Nam để tiến tới hình thành một TTTC quốc tế toàn diện.
Đối tượng điều chỉnh của các chính sách trong TTTC là các tổ chức được đăng ký thành viên và có sự hiện diện thương mại trong TTTC, trong phạm vi các giao dịch tài chính giữa các chủ thể này với nhau và với quốc tế. Đối với các giao dịch giữa các chủ thể tại TTTC và phần còn lại của đất nước sẽ thực hiện theo quy định và pháp luật chung hiện hành.
Đề án lưu ý: Trong quá trình xây dựng, hình thành và phát triển, các chính sách phát triển TTTC đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, mang tính cạnh tranh, đảm bảo tính ổn định, nhất quán và có tính dự báo, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy hợp tác giám sát và cơ chế thực thi hiệu quả, đáng tin cậy.
Theo Bộ KH&ĐT, mô hình “kết hợp””có ưu điểm là cho phép các chính sách đặc thù, đột phá song song với hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong dài hạn; Đồng thời cho phép thử nghiệm chính sách trong phạm vi hoạt động của TTTC, đảm bảo phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực tế của quốc gia trong từng giai đoạn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn. Tuy nhiên, mô hình này là mới, quá trình thực hiện có thể phát sinh những vấn đề nhất định như tính đồng bộ giữa các chính sách, hoạt động… của TTTC đòi hỏi phải được liên tục cập nhật, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung linh hoạt để đảm bảo hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh.
Lộ trình và mục tiêu thị Trưởng tài chính Việt Nam
– Thành lập TTTC vào năm 2025, phát triển TTTC khu vực vào năm 2035, TTTC quốc tế vào năm 2045.
– Được xếp hạng theo Chỉ số TTTC toàn cầu (GFCI): Đến năm 2035 nằm trong nhóm 75 TTTC thế giới và nhóm 25 TTTC khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ; Đến năm 2045 nằm trong nhóm 20 TTTC thế giới và nhóm 10 TTTC khu vực Châu Á – Thái Bình Dương .
– Trong lĩnh vực FinTech, được GFCI xếp hạng: Đến năm 2035 nằm trong nhóm 75 TTTC thế giới, nhóm 25 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thứ 3 trong khu vực ASEAN; Đến năm 2045 nằm trong nhóm 20 TTTC thế giới và nhóm 10 TTTC khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thứ 2 trong khu vực ASEAN.