Chi tiết

Một doanh nghiệp thuê đất 42 năm làm cảng hàng lỏng

Cụ thể, công ty CP Cảng hàng lỏng Yên Hưng sẽ thuê 17.483,7m2 tại xã Liên Hòa, thuộc khu công nghiệp (KCN) Bắc Tiền Phong (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng lỏng Yên Hưng.

Thời gian sử dụng đất kể từ ngày có quyết định cho thuê đất đến ngày 23/9/2066 (thời gian hoạt động của dự án theo chủ trương đầu tư được duyệt tại Quyết định 1683/QĐ-UBND, ngày 21/6/2023 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Quảng Ninh. Hình thức cho thuê đất: Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm.

Phương thức cho thuê đất theo kết quả: cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (tương ứng với trường hợp quy định tại Điều 124 Luật Đất đai) – Thuộc trường hợp Nhà đầu tư có dự án đầu tư được chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu, pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

Dự án xây cảng chuyên hàng lỏng được xây dựng tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong

Dự án Cảng hàng lỏng Yên Hưng nằm bên bờ sông Chanh, thuộc KCN Bắc Tiền Phong, thị xã Quảng Yên. Dự án có tổng số vốn khoảng 740 tỉ đồng.

Về quy mô xây dựng, Công ty CP Cảng hàng lỏng Yên Hưng sẽ tiến hành xây dựng hệ thống cầu bến chuyên dụng xuất nhập các sản phẩm khí hóa lỏng và xăng dầu, có tổng chiều dài bến 426m, neo cập được 2 phía, đáp ứng được cỡ tàu hàng lỏng đến 50.000 DWT ở phía mặt ngoài (xem xét trong giai đoạn sau có thể đáp ứng được cỡ tàu hàng lỏng đến 100.000 DWT) và tàu đến 2.000 DWT phía mặt trong. Ngoài ra, còn có văn phòng điều hành cảng cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Công suất thiết kế được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó, công suất thông qua cảng giai đoạn 1 là 2,5 triệu tấn/năm; và khi hoàn thiện cả giai đoạn 2, công suất của cả cảng là 8 triệu tấn/năm.

Về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu nhà đầu tư thực hiện Dự án theo đúng mục tiêu, quy mô, tiến độ; thực hiện việc ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định pháp luật.

Trong quá trình triển khai xây dựng dự án, phải có các giải pháp tối ưu để không ảnh hưởng đến diện tích rừng ngập mặn liền kề ngoài phạm vi dự án; đảm bảo lưu thông dòng thủy triều và không để hoạt động thi công dự án làm chia cắt diện tích khu rừng ngập mặn thành vùng kín, ngập nước, làm ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển rừng ngập mặn liền kề dự án.

Dự kiến, khách hàng đầu tiên của cảng này là dự án Nhà máy Hóa dầu Stavian Quảng Yên ngay bên cạnh, có vốn đầu tư khoảng 1,5 tỉ USD.

Dự án Nhà máy Hoá dầu Stavian Quảng Yên được xây dựng trên diện tích 30 hecta tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Dự án có tổng mức đầu tư ước tính lên đến 1,5 tỉ USD với quy mô sản xuất 600.000 tấn hạt Polypropylene/năm, áp dụng các công nghệ bản quyền tiên tiến nhất thế giới của Công ty Honeywell UOP (Hoa Kỳ) và Công ty Basell Poliolefine Italia (Ý), bao gồm: Công nghệ sản xuất Propylene từ Propane thế hệ mới nhất bằng phương pháp khử Hydro và công nghệ sản xuất Polypropylene sử dụng công nghệ Spheripol.

Bên cạnh công nghệ hiện đại, dự án còn sử dụng trang thiết bị công nghệ cao, tự động hóa và thân thiện với môi trường được nhập khẩu trực tiếp từ các nước khối EU và G7, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật cao nhằm tiết kiệm và tối ưu hóa sử dụng nguồn nước trong hoạt động sản xuất hóa dầu, đảm bảo tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Dự kiến đến quý 4/2026, dự án hoàn thành hạng mục xây dựng nhà máy, vận hành thử và sẽ đi vào vận hành thương mại.



Nguồn