(ĐTCK) Nhà đầu tư vẫn đang chủ yếu đứng ngoài khiến giao dịch tiếp tục ảm đạm, trong khi các bluechip không cho tín hiệu tạo xu hướng đáng kể nào và dòng tiền dịch chuyển sang các mã nhỏ để tìm kiếm cơ hội ngắn hạn.
Tiếp nối những ngày giao dịch ảm đạm, thanh khoản ở mức thấp, thị trường duy trì trạng thái giằng co, rung lắc dưới vùng giá thấp trong suốt phiên. Điểm nhấn có lẽ chỉ đến từ nhịp giảm thủng hỗ trợ mạnh 1.250 điểm khiến nhà đầu tư có phần giật mình.
Tuy nhiên, đà rơi cũng đã chững lại nhanh và lực cầu tại một số bluechip trở lại giúp VN-Index bật hồi, nhưng sức bật cũng chỉ đủ giúp chỉ số này lấy lại ngưỡng 1.250 điểm và đóng cửa vẫn ở dưới tham chiếu.
Đóng cửa, sàn HOSE có 163 mã tăng và 210 mã giảm, VN-Index giảm 4,64 điểm (-0,37%), xuống 1.251,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 482 triệu đơn vị, giá trị 11.173,5 tỷ đồng, tăng hơn 11% về khối lượng và gần 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 98,4 triệu đơn vị, giá trị 2.013 tỷ đồng.
Nhóm trụ cột VN30 phân hóa, trong đó, chỉ ba cổ phiếu tăng hơn 1% là SAB, SSB và VRE, với SSB có lúc tăng hơn 4% nhưng đóng cửa chỉ còn +1,3% lên 15.250 đồng, khớp hơn 2,2 triệu đơn vị, tuy nhiên, giao dịch thỏa thuận rất đáng chú ý với hơn 39,4 triệu cổ phiếu ở mức giá sàn, trị giá gần 552 tỷ đồng.
Còn lại những cái tên khác như SSI, STB, VCB, HDB, GVR. PLX đều chỉ có mức tăng nhẹ.
Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu GAS và VNM giảm mạnh nhất nhóm, dù cũng chỉ mất hơn 2,3%. Trong đó, hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 của GAS theo tỷ lệ 6% và cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 50:1.
Phần còn lại, ngoài MSN giảm hơn 1%, thì CTG, SHB, MBB, VPB, TCB, VHM, MWG và HPG chỉ giảm nhẹ.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ diễn biến tương đồng so với nhiều phiên trở lại đây, khi ít có sự đồng thuận ở các nhóm ngành và chỉ có những cái tên riêng lẻ thu hút sự chú ý.
Trong đó, cổ phiếu SGR, AGM, RDP và DRH phiên này đã chạm giá trần khi đóng cửa, với DRH khớp lệnh gần 2,7 triệu đơn vị trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi bị đưa vào đình chỉ giao dịch từ đầu tuần sau.
Các mã tăng đáng kể khác còn ở một số cổ phiếu nguyên vật liệu như BMP, APH, bất động sản, xây dựng với NHA, DXG, TCD và cổ phiếu nông nghiệp BAF duy trì phiên tăng tích cực +3,9% lên 20.000 đồng. Trong đó, cổ phiếu DXG bất ngờ vươn lên khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 14,5 triệu đơn vị.
Trái lại, chỉ một số còn giảm mạnh như TNA giảm sàn -6,9% xuống 3.700 đồng, KPF -6,6% xuống 2.410 đồng, APG -5,1% xuống 9.440 đồng, SMC -4% xuống 9.600 đồng, TCO -4% xuống 15.700 đồng…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong phiên chiều và có nhịp bật nảy ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HNX có 80 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,22%), lên 232,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,4 triệu đơn vị, giá trị 648,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,5 triệu đơn vị, giá trị 96,7 tỷ đồng.
Cổ phiếu NRC tiếp tục là tâm điểm xả hàng, khi giảm về giá sàn -10% xuống 2.700 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 8,51 triệu đơn vị, dù có thời điểm mã này được kéo lên mức giá trần.
Các cổ phiếu công ty chứng khoán nhích nhẹ như SHS, MBS, BVS trong khi VFS tăng tốt hơn +3,9% lên 13.500 đồng.
Hai mã lớn CEO và PVS biến động mạnh khi có lúc cả 2 đều giảm sàn, trước khi đóng cửa CEO tăng nhẹ 1,3%, còn PVS giảm nhẹ 0,7%.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng ít thay đổi trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên chiều, trước khi có nhịp bật tăng lên trên tham chiếu, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,25%), lên 92,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,9 triệu đơn vị, giá trị 327,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,96 triệu đơn vị, giá trị 11,7 tỷ đồng.
Các cổ phiếu nhỏ hoạt động mạnh, với ACM, DVG giảm sàn về 500 đồng và 1.300 đồng, khớp 0,7 triệu và 0,58 triệu đơn vị. Các mã TAR, DFF, QBS, ABB, BCR, DSC, PVX giằng co mạnh và đồng loạt lùi về tham chiếu, khớp từ 0,49 triệu đến gần 1 triệu đơn vị.
Trong khi cổ phiếu POM tăng kịch trần +11,5% lên 2.900 đồng, thanh khoản đứng thứ hai trên UpCoM với 2,14 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2409 giảm 3,4 điểm, tương đương -0,26% xuống 1.294,1 điểm, khớp lệnh hơn 193.600 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.500 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lấn át, với CMWG2314 phiên này khớp lệnh tốt nhất khi có hơn 3,02 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm 3,2% xuống 1.800 đồng/cq. Theo sau là CHPG2404 với 2,47 triệu đơn vị và giảm 33,3% xuống 20 đồng/cq.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/mot-so-ma-nho-bien-dong-manh-vn-index-giu-duoc-moc-1250-diem-o-cuoi-phien-post353727.html