Đến nay toàn tỉnh có gần 4.300 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40,6 tỷ USD.
Theo báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc.
Đến nay, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 5,42%, cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 11,55%.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,2 tỷ USD (tăng 10,3% so với cùng kỳ), kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,52 tỷ USD (tăng 9,9% so với cùng kỳ).
Về thu hút đầu tư, vốn đầu tư trong nước thu hút được gần 30.000 tỷ đồng, có gần 3.000 doanh nghiệp đăng ký mới.
Đáng nói, thu hút vốn FDI trong 6 tháng của Bình Dương đạt 825 triệu USD với 96 dự án đầu tư mới và 60 dự án điều chỉnh tăng vốn.
Một góc Bình Dương
Đến nay, toàn tỉnh có gần 4.300 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40,6 tỷ USD. Bình Dương hiện đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP HCM và Hà Nội.
Về hoạt động khu công nghiệp, các nhà đầu tư thứ cấp đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà xưởng với tổng vốn 608,9 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã giải ngân 1,2 tỷ USD, doanh thu đạt 20 tỷ USD, xuất khẩu đạt 12 tỷ USD (chiếm 73,6% cả tỉnh). Tỉnh đã tổ chức động thổ xây dựng cụm công nghiệp An Lập (75ha).
UBND tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp cơ khí, khu công nghệ thông tin tập trung… phục vụ thu hút các ngành cơ khí ô tô và phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Bình Dương là một trong những tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước sau khi TX. Bến Cát chính thức lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Vài năm trở lại đây, Bình Dương luôn đứng trong top đầu cả nước về thu hút FDI. Với tốc độ các KCN mọc lên như “vũ bão”, Bình Dương được xem là “mảnh đất màu mỡ” được nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm vào đầu tư vào logistics.