Nợ có khả năng mất vốn của MSB tăng gần 50% so với thời điểm đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên mức 3,08%.
Nợ xấu vẫn tiếp tục là cơn đau đầu và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2024.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023 với số dư 795.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,56%, tăng nhẹ so với cuối năm 2023 và gần như gấp đôi so với cuối năm 2022.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) không phải ngoại lệ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.690 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng nợ xấu tăng từ 4.280 tỷ đồng đầu năm lên 5.132 tỷ đồng cuối tháng 6, khiến tỷ lệ nợ xấu của MSB tăng lên 3,08%.
Trong số nợ xấu, ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng gần 50% so với thời điểm đầu năm, lên 2.707 tỷ đồng; ợ nghi ngờ cũng tăng 13,25%, lên 1.632 tỷ đồng, trong khi nhóm nợ dưới tiêu chuẩn giảm 23,26%, còn 792 tỷ đồng.
Để ứng phó, MSB đã tăng cường trích lập dự phòng thêm 1.165 tỷ đồng và xử lý rủi ro với số tiền 521 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 54,84% lên 58,28%.
Chất lượng nợ vay của MSB, nguồn: BCTC ngân hàng MSB |
Năm 2024, ngân hàng MSB đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023. Tổng tài sản dự kiến đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; dư nợ tín dụng tăng trưởng 18%, đạt 178.200 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất duy trì dưới mức 3%.
Đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản đạt hơn 295.500 tỷ đồng, tăng 10,69% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 166.389 tỷ đồng, giảm 11,56%. Tiền gửi khách hàng đạt 151.742 tỷ đồng, tăng 14,65% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, MSB sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% vào ngày 29/8. Cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 30 cổ phiếu mới. MSB dự kiến phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng.