Chiến lược “mua thấp bán cao” được xem là một trong những chiến lược giao dịch tài sản tối ưu mà nhiều nhà đầu tư áp dụng cho các kênh đầu tư từ chứng khoán, crypto…; nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng tận dụng được biến động và xu hướng để kiếm lời. Do đó nhiều nhà đầu tư hướng về chiến lược “mua và giữ” (buy & hold) trong bối cảnh thị trường có triển vọng dài hạn.
Chia sẻ về quan điểm có nên mua “full hàng” khi VN-Index quanh vùng giá hiện nay và chờ lên 1.450-1.500 điểm sẽ bán, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường chứng khoán CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, hiện VN-Index giao dịch quanh 1.200 – 1.300 điểm. Theo ông Sơn, lần nào VN-Index về 1.200 đều kéo dòng tiền lớn chảy vào kéo chỉ số và giá tăng trở lại. Có thể thấy, cứ VN-Index quanh 1.200 điểm, nhà đầu tư mua thì khả năng lãi rất cao. “Trong giai đoạn năm nay và năm sau, TTCK Việt Nam có một số câu chuyện như nâng hạng, giải ngân đầu tư công, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển các chính sách gỡ khó cho thị trường bất động sản tiếp tục được triển khai”, ông Sơn nói.
Nhìn lại lịch sử, con sóng lớn của TTCK Việt Nam trong 20 năm qua, VN-Index tăng mạnh khi có câu chuyện lớn. Như 2005 – 2027, con sóng Việt Nam gia nhập vào WTO – thu hút được 2 – 3 tỷ USD. Giai đoạn sóng thoái vốn Nhà nước (2016 – 2018) – hút được lượng tiền lớn từ nước ngoài. Giai đoạn 3 là giai đoạn gắn liền với tiền rẻ được gọi là sóng Covid (2020 – 2022). Tôi kỳ vọng làn sáng tăng thứ 4 sẽ gắn liền với câu chuyện tăng trưởng kinh tế và nâng hạng thị trường (2025 – 2026), chuyên gia nhìn nhận.
VN-Index năm nay giao dịch xây nền quanh 1.200 – 1.300 và trong nhiều tháng trở lại đây nhìn các bộ nến chặt rất giống các giai đoạn tích lũy 2015 – 2016. Những thay đổi về mặt chính sách trong lĩnh vực chứng khoán như Luật Chứng khoán sửa đổi, sự thay đổi về mặt cơ cấu giao dịch, chu kỳ thanh toán và sắp tới là thanh toán bù trừ đối tác trung tâm. “Tôi kỳ vọng con sóng nâng hạng lên emerging sẽ giúp VN-Index tăng lên vùng cao mới, mua ở vùng 1.200 – 1.240 điểm và cầm trung, dài hạn thì chắc chắn khả năng chốt lời ở vùng 1.400 – 1.500 trở lên”, ông khẳng định.
Liên quan đến triển vọng TTCK, một trong những câu chuyện có tính “đòn bẩy” trong dài hạn là nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi, gần nhất tại sự kiện ngày 5/12 do Bloomberg Businessweek tổ chức có sự tham gia của đại diện FTST Russell, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), đại diện của FTSE đã có những đánh giá về giải pháp loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (Pre-Funding) đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Trần Hoàng Sơn cho rằng, đây là thông tin có tác động tích cực đến TTCK trong phiên ngày 4 và 5/12, là tín hiệu giúp VN-Index vượt qua vùng 1.255 để lên vùng mới 1.270 trong tuần này
Nhìn lại bảng tổng hợp tiêu chí đánh giá phân loại thị trường của FTSE cập nhật vào tháng 9/2024. Việt Nam còn một số điểm hạn chế như hạn chế về mặt thanh toán là chi phí về giao dịch thất bại. Trong thời điểm tháng 9, Việt Nam vẫn yêu cầu có đủ chứng khoán trước giao dịch và ký quỹ 100%.
FTSE đánh giá cao triển vọng của Việt Nam khi loại bỏ được yêu cầu ký quỹ trước giao dịch đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và áp dụng ngay từ đầu tháng 11. Tuy nhiên, họ cần thu thập thêm ý kiến của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trong vài tháng tới để đánh giá hiệu quả và tính ổn định của giải pháp Việt Nam thực hiện.
Bởi trước đây, Việt Nam chưa áp dụng Non – Prefunding nên chưa có giao dịch nào bị xảy ra lỗi cả nên họ cần có đủ một khoảng thời gian áp dụng để xem có lỗi không. Đồng thời, FTSE cũng đang đánh giá quy trình xử lý các giao dịch Non – Prefunding không thành công sau khi áp dụng loại bỏ yêu cầu ký quỹ.
Nếu nhà đầu tư không đủ tiền thanh toán vào 9h30 sáng ngày T+2 thì CTCK – nơi nhà đầu tư đặt lệnh chịu trách nhiệm thanh toán và bán lại lượng cổ phiếu này cho nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngày T+3. Trong quá trình xử lý này, FTSE cần đánh giá các yếu tố liên quan đến chi phí giao dịch, yếu tố ảnh hưởng đến nhà đầu tư như thế nào, theo chuyên gia.
Điểm nữa, thời gian tới, FTSE sẽ hợp tác với UBCKNN và cơ quan quản lý, VSDC để hoàn thành những yếu tố nâng tầm tiêu chuẩn quốc tế đối với TTCK Việt Nam. Đầu tiên là thành lập trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) – đây là yếu tố quan trọng. Nếu xây dựng được CCP sẽ hạn chế rất nhiều lỗi giao dịch, bộ đệm về vốn và an toàn vốn nâng cao lên nhiều. Thứ 2 là cần đơn giản hóa quy trình lập tài khoản và loại bỏ những yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự một số tài liệu. Thứ 3, triển khai cơ chế tài khoản tổng. Thứ 4 là nâng cấp hệ thống hạ tầng giao dịch và xử lý giao dịch – liên quan đến đưa vào vận hành hệ thống KRX.
“Mặc dù những yếu tố này không phải là yếu tố chính yếu quan trọng để FTSE review nâng hạng TTCK Việt Nam nhưng tôi cho rằng nó sẽ nâng tầm hiệu quả giao dịch của TTCK giúp giao dịch trở nên thông thoáng hơn, giảm thiểu rủi ro thanh toán hơn.
Tôi kỳ vọng trong tháng 3 sẽ có những ghi nhận và báo cáo, nhanh nhất đến tháng 9/2025 có thể được chính thức nâng hạng. Trong quá trình đó, sẽ có lượng vốn ngoại lớn đổ vào TTCK Việt Nam trước từ 6 đến 8 tháng. Đến tháng 3, khi có những đánh giá mới thì chúng ta có thể thấy khối ngoại mua ròng trở lại rõ ràng hơn”, ông Trần Hoàng Sơn đánh giá.
Đối với vấn đề nâng hạng TTCK, ông Nhan Tuấn – Giám đốc điều hành CTCK Vietcap cũng chia sẻ với DĐDN, qua buổi làm việc với FTSE Russell của Vietcap, được biết FTSE sẽ tiếp tục thu thập ý kiến phản hồi từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trong vài tháng tới để đánh giá tính hiệu quả và sự ổn định của quy định mới này. Do ảnh hưởng của kỳ nghỉ lễ sắp tới, việc nâng hạng theo kịch bản cơ sở được dự kiến sẽ diễn ra vào kỳ đánh giá chỉ số bán niên của FTSE vào tháng 9/2025. Vietcap cho biết sẽ cập nhật thêm nếu có bất kỳ diễn biến nào có thể đẩy nhanh tiến độ nâng hạng vào tháng 3/2025.
Source link