Chi tiết

Mục tiêu chuyển đổi số toàn diện tại tập đoàn Thaco

Đại diện Thaco nhận định công nghệ là yếu tố giúp doanh nghiệp cạnh tranh khi hội nhập toàn cầu, đặt mục tiêu tập đoàn chuyển đổi số toàn diện vào năm 2027.

Mô hình tập đoàn công nghiệp đa ngành quy mô lớn, áp dụng thành công chuyển đổi số được ban lãnh đạo Thaco đặt ra từ năm 2023, với chiến lược đa ngành và kế hoạch 5 năm (2023-2027). Theo đó, tập đoàn này sẽ xây dựng lộ trình riêng với đặc thù của từng lĩnh vực, ngành nghề nhằm tối ưu quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, quản trị doanh nghiệp và phát triển đội ngũ nhân sự đáp ứng quá trình chuyển đổi số toàn diện.

Ở lĩnh vực ôtô, Thaco Auto áp dụng số hóa toàn diện từ sản xuất kinh doanh đến quản trị, hình thành dây chuyền sản xuất thông minh, quản trị chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất và phân phối. Hệ thống quản trị sản xuất ứng dụng công nghệ số tại Thaco Auto tích hợp phần mềm Bravo, DDMS, chữ ký số, dữ liệu thiết bị kiểm tra Barcode, RFID. Hệ thống này giúp kiểm soát chuỗi giá trị từ quản lý vật tư, linh kiện, tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm và bàn giao xe.

Nhân sự tại Thaco sử dụng các giải pháp IoT, ALC/SCADA nhằm đảm bảo hiệu quả, vận hành liên tục và kiểm soát chất lượng trên mỗi công đoạn. Ảnh: Thaco

Nhân sự tại Thaco sử dụng các giải pháp IoT, ALC/SCADA nhằm đảm bảo hiệu quả, vận hành liên tục và kiểm soát chất lượng trên mỗi công đoạn. Ảnh: Thaco

Các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô tại Thaco Auto cũng nâng cao tỷ lệ tự động hóa, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt và theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng. Theo doanh nghiệp, Thaco Auto đang nghiên cứu và xây dựng bộ giải pháp toàn diện để khách hàng khi đặt mua ôtô có thể chọn cấu hình sản phẩm theo nhu cầu cá nhân, theo dõi toàn bộ quá trình từ khi đặt hàng đến từng công đoạn sản xuất, bàn giao xe.

Ở lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, Thaco Industries ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị sản xuất, quản lý kho và các phần mềm hoạch định nguyên vật liệu. Với nông nghiệp, Thaco Agri tiên phong ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chuyển đổi số thông qua các phần mềm quản lý kỹ thuật chăn nuôi bò, quản lý cây trồng, nhà kho thông minh, hướng đến tạo giá trị gia tăng bền vững cho ngành.

Robot của Thaco Industries tại Triển lãm thành tựu Khoa học và Công nghệ Thủ đô 2024. Ảnh: Thaco

Robot của Thaco Industries tại Triển lãm thành tựu Khoa học và Công nghệ Thủ đô 2024. Ảnh: Thaco

Ở lĩnh vực giao nhận và vận chuyển, Thilogi ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị hoạt động logistics, gồm các phần mềm quản lý kho bãi, khai thác vận hành cảng, quản lý dịch vụ forwarding và hướng tới mô hình giao nhận – vận chuyển thông minh. Tập đoàn Thaco cũng sử dụng các phần mềm quản lý tổng thể hoạt động đầu tư, kế hoạch dự án, quản lý vận hành bất động sản trong lĩnh vực đầu tư – xây dựng, đưa ra nhiều giải pháp công nghệ nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm thế hệ mới cho khách hàng trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

Phát triển đội ngũ nhân sự đáp ứng quá trình chuyển đổi số

Ngoài các giải pháp chuyển đổi số, Thaco cũng đào tạo, hỗ trợ cán bộ nhân viên nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, phân tích dữ liệu, an ninh mạng và quản lý dự án công nghệ… định hướng nhân sự hiểu đúng vai trò của con người trong các bước chuyển đổi số.

“Đội ngũ nhân sự từ lao động phổ thông đến các cấp quản lý, lãnh đạo được trang bị kiến thức và kỹ năng về công nghệ số để làm chủ công nghệ, máy móc”, đại diện tập đoàn Thaco nói.

Chuyên gia từ BMW Asia (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn và đào tạo về công cụ kỹ thuật số tại tổ hợp showroom BMW, MINI, BMW Motorrad Bình Dương. Ảnh: Thaco

Chuyên gia từ BMW Asia (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn và đào tạo về công cụ kỹ thuật số tại tổ hợp showroom BMW, MINI, BMW Motorrad Bình Dương. Ảnh: Thaco

Theo đó, mỗi nhân sự tại doanh nghiệp này sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi số với các hoạt động trình ký, quản lý, lưu trữ tài liệu, số liệu và kế hoạch. Các hoạt động quản lý nhân sự và truyền thông nội bộ… cũng được ứng dụng công nghệ số nhằm đảm bảo tính chính xác, đồng bộ trên toàn hệ thống. Nhân sự tại các nhà máy cũng đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng tính tự động hóa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Một số đề tài ứng dụng công nghệ được vận hành tại Thaco gồm: robot hàn mui tự động, thiết bị gia công bấm cụm xương sàn sau, tích hợp chung thiết bị cài đặt phần mềm PCM…

Bên cạnh việc hình thành nhân sự công nghiệp thế hệ mới, Thaco cũng tiếp tục tuyển dụng đội ngũ nhân sự trẻ, năng động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số trong tương lai.

“Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, yếu tố quyết định để phát triển bền vững trong thời đại công nghiệp 4.0”, đại diện Thaco cho biết. “Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm trong đổi mới sáng tạo, việc ứng dụng công nghệ, số hóa giúp Thaco tối ưu quy trình sản xuất, nâng hiệu quả quản trị và mang đến những giá trị mới cho khách hàng”.

Tuấn Vũ


Nguồn tin: https://vnexpress.net/muc-tieu-chuyen-doi-so-toan-dien-tai-tap-doan-thaco-4789152.html