Chi tiết

Mỹ giảm tiền hỗ trợ cho Intel

Khoản tiền chính phủ Mỹ dự định tài trợ cho hoạt động sản xuất chip trong nước của Intel có thể giảm ít nhất 500 triệu USD.

New York Times ngày 24/11 trích nguồn tin thân cận cho biết chính phủ Mỹ có kế hoạch giảm tiền tài trợ sản xuất chip cho Intel từ mức sơ bộ 8,5 tỷ USD xuống dưới 8 tỷ USD. Nguyên nhân có thể là hãng trước đó được giao hợp đồng trị giá 3 tỷ USD để sản xuất chip cho Bộ Quốc phòng Mỹ.

Động thái của chính phủ Mỹ được đưa ra sau khi Intel thông báo hoãn một số khoản đầu tư vào nhà máy chip ở Ohio. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ cân nhắc về công nghệ của Intel và nhu cầu khách hàng. Intel vẫn đang cải tiến công nghệ để bắt kịp các đối thủ như TSMC (Đài Loan).

Bo mạch chủ của Intel tại Triển lãm Computex (Đài Loan, Trung Quốc,) tháng 6/2024. Ảnh: Reuters

Bo mạch chủ của Intel tại Triển lãm Computex (Đài Loan) tháng 6/2024. Ảnh: Reuters

Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ cấp cho Intel gần 20 tỷ USD dưới dạng tiền tài trợ và khoản vay. Đây là khoản chi lớn nhất của chính phủ Mỹ trong kế hoạch tăng tốc sản xuất chip trong nước. Một phần số tiền này sẽ dùng để xây 2 nhà máy mới và hiện đại hóa một nhà máy đang hoạt động.

Khoản chi này nằm trong Đạo luật CHIPS được thông qua năm 2022. Mỹ đặt mục tiêu nâng sản lượng chip trong nước thông qua đầu tư 52,7 tỷ USD. Trong đó, 39 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất chip và 11 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, mục tiêu của Đạo luật CHIPS là giảm phụ thuộc vào các quốc gia châu Á. Tỷ trọng của Mỹ trong năng lực sản xuất bán dẫn toàn cầu giảm từ 37% năm 1990 xuống 12% năm 2020.

Việc gần nửa số tiền hỗ trợ đổ vào Intel cho thấy chính quyền Biden đang đặt cược lớn vào hãng này. Intel từng là hãng chip lớn nhất Mỹ, nhưng vài năm nay dần bị các đối thủ như Nvidia, Qualcomm, Broadcom, Texas Instrument và AMD vượt qua. Giới phân tích cho rằng Intel chậm chân khá nhiều trong cuộc đua AI, khiến thị phần dần rơi vào tay các công ty khác.

Hãng này đang thực hiện quá trình cải tổ, như sa thải nhân viên và đầu tư mạnh tay cho mảng gia công chip. Cuối tháng 10, họ thông báo lỗ ròng 16,6 tỷ USD trong quý II. Đây là khoản lỗ lớn nhất lịch sử 56 năm hoạt động, vượt xa dự báo lỗ 1,1 tỷ USD trong khảo sát của hãng dữ liệu tài chính FactSet với các nhà phân tích.

Khi đó, Intel cho biết khoản lỗ lớn do các khoản liên quan đến kế hoạch cắt giảm chi phí, như tiền bồi thường cho lao động bị sa thải. Một số thiết bị phục vụ sản xuất của họ cũng bị mất giá nhanh. CEO Intel Patrick Gelsinger khẳng định khoản lỗ này “chỉ diễn ra một lần và cần thiết trong quá trình công ty cải tổ hoạt động kinh doanh”.

Hà Thu (theo Reuters)


Nguồn tin: https://vnexpress.net/my-giam-tien-ho-tro-cho-intel-4820146.html