Trước bối cảnh chênh lệch lãi suất và chưa nâng hạng thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3,5 tỷ USD – mức kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), nhà đầu tư nước ngoài đã rót hơn 438.902 tỷ đồng để mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF và chứng quyền trong năm 2024. Ở chiều ngược lại, họ bán ra gần 529.090 tỷ đồng.
Như vậy, khối ngoại đã bán ròng hơn 90.311 tỷ đồng trên sàn HoSE, tương đương hơn 3,55 tỷ USD. Nếu tính toàn thị trường chứng khoán, con số sẽ vượt 93.000 tỷ đồng. Đây là mức kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Không chỉ nhà đầu tư, số liệu bán ròng kỷ lục trên cũng vượt dự báo của một số đơn vị phân tích và chuyên gia tài chính trong ngành. Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS), nói bất ngờ khi hơn 20 tháng qua, khối ngoại chỉ tạm dừng xả hàng duy nhất trong tháng 1/2024. “Chưa bao giờ thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận đà bán ròng của khối ngoại lớn đến vậy”, ông nhận định.
Sự chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng, chính sách tiền tệ, tỷ giá cao… đã tác động đáng kể tới hành động của khối ngoại trong năm qua. Điều này gây ra hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu, những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá nhiều hơn hay những thị trường cận biên sẽ bị rút vốn mạnh để phân bổ vào những nơi thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Không chỉ Việt Nam, các thị trường trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt từ làn sóng này.
Số liệu do Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổng hợp cũng cho thấy dòng chảy ở các thị trường quanh khu vực khá tương đồng Việt Nam. Ngay cả một số quốc gia như Đức, Canada hay Brazil cũng ghi nhận hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài rút ròng trong năm qua. Điều này chứng tỏ sự mạnh lên của USD tác động rất lớn đến các thị trường cận biên và mới nổi.
Áp lực xả hàng của khối ngoại cũng tăng giảm qua từng quý. Đầu năm, họ vẫn mua ròng trong tháng 1 rồi đảo chiều dần. Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ra trong quý II, sau đó có phần giảm nhẹ khi sang quý III. Thời điểm đó, thị trường từng dự báo khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm thêm lãi suất và Việt Nam gỡ các nút thắt về giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại. Tuy nhiên thực tế lại trái ngược hẳn, áp lực sớm trở lại ở giai đoạn cuối năm.
Ông Lê Văn Hà, Giám đốc kinh doanh Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng những dự báo về việc Fed giảm lãi suất ít hơn và sự khó lường trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump đã đẩy chỉ số sức mạnh đồng đôla DXY mạnh lên, nên áp lực về tỷ giá vẫn còn lớn. Trong khi đó các nút thắt ký quỹ, đến tháng 12/2024, Việt Nam mới bắt đầu áp dụng một cách thận trọng pre-funding (mua chứng khoán không cần nộp tiền trước 100%) cho nhà đầu tư ngoại và kỳ vọng năm nay sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí khác. Những lý do trên khiến dòng vốn mới vào thị trường vẫn chưa có sự cải thiện.
Còn một nguyên nhân khác, ông Hà cho rằng có thể do Việt Nam mới hồi phục kinh tế sau đợt thay đổi thị trường trái phiếu. Vì thế, nhà đầu tư nước ngoài có những lựa chọn tốt hơn để dòng tiền chạy về kênh này.
Lần gần nhất thị trường chứng kiến đà bán ra ồ ạt của khối ngoại là vào năm 2021. Tổng giá trị bán ròng luỹ kế khi đó vượt 58.000 tỷ đồng, nhưng chỉ bằng khoảng 64% lượng xả hàng năm 2024. So với các giai đoạn trước khi cường độ bán lớn của khối ngoại thường gây áp lực lên điểm số, hiện tại dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân mới là động lực dẫn dắt chính. Theo thống kê của VPBankS, nhà đầu tư cá nhân trong nước trở thành lực đỡ quan trọng khi mua ròng hơn 81.000 tỷ đồng, tổ chức trong nước mua ròng hơn 9.800 tỷ đồng.
Với môi trường lãi suất thấp, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn tích cực tham gia thị trường và đối ứng tốt áp lực bán ròng của khối ngoại. Điều này cũng ảnh hưởng tích cực lên diễn biến VN-Index khi chỉ số này trong xu hướng sideway up (vừa tích lũy vừa tăng) tính từ đầu năm và chốt tăng hơn 12%.
Theo ông Nguyễn Triệu Vinh, Phó giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), chứng khoán vẫn tăng dù khối ngoại bán ròng kỷ lục cho thấy tầm quan trọng của nhóm nhà đầu tư trong nước mà chủ yếu là các cá nhân, vốn chiếm đến khoảng 90% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Ông cho rằng lãi suất ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khi vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp diễn biến theo chiều hướng tích cực, các yếu tố này giúp thị trường cổ phiếu duy trì tính hấp dẫn đối với nhiều người. Thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán, bao gồm những đơn vị là công ty con của các ngân hàng, cũng đã hoàn thành tăng vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay ký quỹ.
Nói về tương lai, chuyên gia VCBF vẫn cho rằng có nhiều lý do để kỳ vọng nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài sẽ quay lại Việt Nam như vĩ mô ổn định, nền kinh tế đang quay về quỹ đạo tăng trưởng cao; lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm nay; triển vọng chứng khoán được nâng hạng lên thị trường mới nổi trở nên rõ ràng hơn. Chuyên gia còn nhấn mạnh vào việc định giá cổ phiếu ở mức hấp dẫn với hệ số P/E (giá thị trường trên thu nhập mỗi cổ phiếu) dự phóng năm 2025 là 10,3 lần, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân trung vị trong 10 năm vừa qua (khoảng 15,5 lần) cũng như nhiều thị trường trong khu vực.
Trong khi đó, chuyên gia VPBankS cho rằng nửa đầu năm, triển vọng dòng vốn đầu tư trên toàn cầu vẫn chưa tích cực do các kỳ vọng chưa rõ ràng, ngược lại có nhiều biến số khó dự đoán. Do đó, dòng vốn sẽ tiếp tục bị hút về các thị trường phát triển khi chênh lệch lãi suất so với các thị trường mới nổi vẫn còn lớn. Tuy nhiên, nhìn về xu hướng xa hơn, khả năng mặt bằng lãi suất ở các nền kinh tế lớn sẽ giảm giai đoạn 2025-2026 khi lạm phát được kiểm soát. Theo đó, dòng vốn có thể sớm quay lại các thị trường mới nổi và cận biên, đặc biệt khi định giá của các thị trường phát triển như Mỹ đã trở nên khá đắt đỏ.
Với Việt Nam, VPBankS dự báo xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn diễn ra nhưng áp lực sẽ giảm dần trong nửa đầu năm. Câu chuyện nâng hạng sẽ là yếu tố quyết định thu hút dòng tiền mua ròng của khối ngoại quay lại, đồng thời cũng khuyến khích dòng tiền nội.
“Nếu những tác động của làn gió ngược như chính sách thuế quan mới hay biến động lãi suất và tỷ giá sớm được bình ổn trong tầm kiểm soát, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn với định giá rẻ và tỷ suất sinh lời cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Các yếu tố như sự ổn định chính trị, cải cách pháp lý và chính sách kinh tế ngày càng hiệu quả sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đi lên”, ông Trần Hoàng Sơn nói thêm.
Về mặt rủi ro và thách thức, chuyên gia VCBF lưu ý các chính sách của Tổng thống Donald Trump cũng sẽ gây ra nhiều biến động trên thị trường. Tỷ giá có thể vẫn chịu sức ép trong ngắn hạn và tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tỷ giá được tin là sẽ dần hạ nhiệt vì Fed dự báo còn giảm lãi suất thêm trong năm nay. Ngoài ra, đồng nội tệ sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn vốn FDI và thặng dự thương mại.
Tất Đạt
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nam-ban-rong-ky-luc-cua-khoi-ngoai-4835087.html