Chi tiết

Năm của vốn ngoại chất lượng cao

Nhiều tên tuổi công nghệ lớn đang mở rộng đầu tư tại VN. Ảnh: SAMSUNG

FDI năm 2025: Công nghệ cao và bán dẫn

Cuối năm 2024, có một sự kiện thú hút sự chú ý lớn. Đó là sự trở lại của tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Tập đoàn NVIDIA, cùng với quyết định chọn VN để xây dựng một trong số rất ít trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) của tập đoàn này trên thế giới. Điều này cho thấy quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của vị chủ tịch tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới coi VN là ngôi nhà thứ 2 của NVIDIA, cũng như niềm tin của ông vào tiềm năng phát triển công nghệ cao của nước ta.

Ngoài NVIDIA, Google cũng chọn VN là nơi mở rộng chiến lược khi chính thức thành lập Công ty TNHH Google VN. Các nhà quảng cáo tại VN sẽ thực hiện thủ tục về thuế thông qua công ty này thay cho Google Asia Pacific trước đây. Đồng thời, kể từ ngày 1.3, với các đối tác trở thành khách hàng của bất kỳ sản phẩm nào được liệt kê trong phần VN, Google VN sẽ là đối tác chính thức chịu trách nhiệm. Dù văn phòng tại VN chỉ tập trung vào kinh doanh và tiếp thị nhưng có thể thấy Google đánh giá cao thị trường và gia tăng hợp tác với các đối tác tại VN.

Bên cạnh đó, Tập đoàn SpaceX của tỉ phú Elon Musk tiết lộ ý định đầu tư 1,5 tỉ USD vào VN, còn Tập đoàn Trump Organization của gia đình Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ đầu tư khoản tiền tương tự vào Hưng Yên. Trước đó, vào tháng 11.2024, một nhà cung ứng của Apple là Foxconn công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại Bắc Giang, còn Tập đoàn Meta của tỉ phú Mark Zuckerberg có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo tại VN…

Theo Bộ KHĐT, trong năm 2024, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ mạnh vào VN, ước đạt 40 tỉ USD, thuộc top 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Đáng chú ý hơn bao giờ hết là sự xuất hiện của các tập đoàn hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, đánh giá dòng vốn FDI đang “rất phù hợp với hướng FDI mà VN đã và đang cần thu hút”. Thực tế, thu hút vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao là chiến lược được đề ra từ nhiều năm trước. Thế nhưng, hiệu quả chưa cao bởi một số yếu tố khách quan lẫn chủ quan. “Năm 2025, theo tôi, FDI của VN đang chuyển sang giai đoạn 3 – giai đoạn thu hút vốn công nghệ cao và VN sẽ nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của thị trường công nghệ toàn cầu”, ông kỳ vọng.

Lý giải cho nhận xét trên, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng phân tích: Năm 2025, chúng ta đã có sự chuẩn bị và tích lũy khá tốt nên không còn ồ ạt thu hút bằng mọi giá. Cụ thể, VN không bị căng thẳng về vốn; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn. Chính vì vậy, tỷ lệ giải ngân trong 2 năm qua rất tốt, thậm chí chúng ta có thể cho nhà đầu tư nước ngoài vay vốn chứ không chỉ chăm chăm hút vốn về. “Năm qua, VN tạo nền tảng phục vụ cho xu hướng thu hút đầu tư vào công nghệ cao khá tốt, bao gồm đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, ổn định, phát triển nguồn nhân lực bán dẫn…”, ông Lạng nói.

Xu hướng FDI đang thay đổi

Việc mở rộng hoạt động, đặt nhà máy của hàng loạt tập đoàn công nghệ nước ngoài tại VN là minh chứng rõ nét cho dòng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao.

Sản xuất công nghệ cao tại VN tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư lớn ẢNH: PHẠM HÙNG

Theo ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử VN, dòng vốn FDI vào VN cũng như sự xuất hiện của nhiều “ông lớn” công nghệ là minh chứng cho xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu đã được dự báo trước. Hơn nữa, sự bùng nổ về AI, internet vạn vật (IoT), Big Data khiến nhu cầu về chip, bán dẫn nói riêng hay lĩnh vực công nghệ nói chung tăng cao trên toàn thế giới. Bởi hầu hết mọi sản phẩm, dịch vụ hiện nay đều cần có con chip để tiến tới điều khiển tự động, từ xe điện, robot hút bụi… Thậm chí đến chăm sóc cây kiểng cũng cần chip gắn lên từng cây để đo lường độ ẩm, ánh sáng và thực hiện tưới nước, bón phân tự động…

“Tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều chạy đua đầu tư vào công nghệ, từ phần cứng đến phần mềm. VN đã được xem là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn từ trước đại dịch Covid-19 và ngày càng được chú ý hơn. VN cũng có nhiều lợi thế về chính trị – xã hội ổn định; có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc thế giới. Hơn nữa, các chính sách phát triển về hạ tầng giao thông, điện, nước, hạ tầng công nghệ thông tin như viễn thông, internet… đã tăng tốc và ngày càng thu hẹp khoảng cách với nhiều nước. Chẳng hạn trong lĩnh vực đầu tư nghiên cứu về AI, VN có ưu thế về nguồn nhân lực giàu tiềm năng, nhanh chóng học hỏi, tiếp thu công nghệ mới. Hay hạ tầng viễn thông, internet và điện, nước cũng đảm bảo cung cấp cho các hoạt động như trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây…”, ông Tân dẫn chứng và cho rằng xu hướng dòng vốn FDI đã thay đổi do nhu cầu sử dụng, ứng dụng công nghệ bùng nổ.

Trước đây, dòng vốn tìm đến nơi có nguồn lao động giá rẻ nhưng giờ chọn đầu tư vào công nghệ cao, sản xuất bán dẫn, AI… VN nếu trước đây còn bị đánh giá là yếu về chính sách, thủ tục hành chính rắc rối và nghẽn về logistics khi hạ tầng giao thông còn yếu, chi phí cao thì nay cũng đã có nhiều tiến bộ vượt trội. Đặc biệt, với cú hích từ NVIDIA và các “cá mập” khác như Samsung, Intel, Apple, Foxconn… thì chắc chắn nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn tìm đến VN.

Trong giai đoạn 2021 – 2022 vốn đổ vào ngành bán dẫn lên tới 155 tỉ USD. Điều này cho thấy thế giới đang tập trung rất lớn vào công nghệ cao. Trong đó, VN được đánh giá là có tiềm năng trở thành một trong những khu vực sản xuất chất bán dẫn mới của thế giới từ nay đến 2030. Chính các vị chủ tịch các tập đoàn chip, bán dẫn hàng đầu thế giới cũng đưa ra nhận định tương tự và ngụ ý về cơ hội rất lớn cho VN để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo – GS Augustine Hà Tôn Vinh, Chuyên gia tư vấn đầu tư.

Đồng quan điểm, chuyên gia tư vấn đầu tư, GS Augustine Hà Tôn Vinh nhận xét những chuyến thăm dày đặc của các tỉ phú công nghệ cho thấy nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn cầu đang cạnh tranh tìm kiếm cơ hội đầu tư vào VN. “Trong và sau đại dịch Covid-19, thu hút FDI toàn cầu có xu hướng chững lại nhưng thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn lại tăng. Trong giai đoạn 2021 – 2022 vốn đổ vào ngành bán dẫn lên tới 155 tỉ USD. Điều này cho thấy thế giới đang tập trung rất lớn vào công nghệ cao. Trong đó, VN được đánh giá là có tiềm năng trở thành một trong những khu vực sản xuất chất bán dẫn mới của thế giới từ nay đến 2030. Chính các vị chủ tịch các tập đoàn chip, bán dẫn hàng đầu thế giới cũng đưa ra nhận định tương tự và ngụ ý về cơ hội rất lớn cho VN để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo”, GS Hà Tôn Vinh phân tích.

Giữ chân “đại bàng”, hình thành hệ sinh thái đẳng cấp

Phân tích cụ thể hơn về thế mạnh của VN trong cuộc đua thu hút đầu tư vào công nghệ cao, vào sản xuất chip, bán dẫn, ông Đỗ Khoa Tân lấy ví dụ, ngay sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) tàn phá nhiều tỉnh phía bắc tháng 9.2024, hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, internet đều được khắc phục rất nhanh, giúp các doanh nghiệp đều cảm thấy an tâm vì hoạt động được thông suốt, không để tình trạng gián đoạn kéo dài.

VN đẩy mạnh đào tạo nhân lực để phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao.  Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Từ đó, ông Tân khuyến nghị VN cần tiếp tục đảm bảo các yếu tố thuận lợi cho những tập đoàn đã vào nước ta xây dựng trung tâm nghiên cứu, đặt nhà máy. Đó cũng là tiền đề tạo ra sự tin tưởng cho những nhà đầu tư đang do dự, quan sát. Song song, với việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy của các bộ ngành, địa phương đang được thực hiện, thủ tục hành chính sẽ ngày càng tinh gọn hơn, tập trung vào một đầu mối. Đây cũng sẽ là điểm cộng lớn trong mắt nhà đầu tư nói chung. Tương tự, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, các dự án điện lớn… để giảm chi phí logistics, đảm bảo năng lực cho sản xuất nói chung và lĩnh vực công nghệ nói riêng.

“Chúng ta đã thu hút được các đại bàng công nghệ cao vào VN thì theo sau đó sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp trong cùng hệ sinh thái. Chẳng hạn, trước đây và hiện tại Samsung đã dần dần tạo ra một chuỗi nhà cung ứng mới tại VN thì cũng góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ của VN phát triển hơn. Đặc biệt, với sự xuất hiện của NVIDIA – tập đoàn sản xuất chip về trí tuệ nhân tạo hàng đầu – sẽ có thêm nhiều tập đoàn bán dẫn lớn trên thế giới hay các đơn vị vệ tinh chọn VN như một lựa chọn mới để đa dạng hóa sản xuất, giảm rủi ro tác động về môi trường, ngoại giao. Vì vậy, hiệu ứng lan tỏa sẽ ngày càng rộng hơn trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn, công nghệ cao nói chung…”, ông Đỗ Khoa Tân chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, với sự chuyển hướng và tập trung mạnh mẽ trong chính sách thu hút FDI công nghệ cao, doanh nghiệp trong nước chắc chắn sớm học hỏi được công nghệ, mô hình của các nước tiên tiến đã làm. Quan trọng là ngoài việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng, thu hút vốn công nghệ, VN phải xây dựng được hệ sinh thái kết nối, chia sẻ để doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia chuỗi giá trị đó một cách khéo léo, thông minh. Vì vậy, bắt buộc phải có các điều kiện về cam kết chuyển giao công nghệ khi cấp phép đầu tư. Ông chỉ ra hiện tại, chúng ta đã có Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Vấn đề còn lại là phải hiện thực hóa, tiêu chuẩn hóa, luật hóa nghị quyết thành câu chữ quy định dễ hiểu.

Theo chuyên gia này, nếu cứ nói đẩy mạnh thu hút FDI công nghệ suông cùng các chính sách ưu đãi đất đai, thuế, cởi mở giấy phép… là chưa đủ. Trên tinh thần cầu thị, học hỏi, chúng ta nên định dạng lại chính sách mới, có tầm nhìn sâu sắc hơn, để có thể vừa thu hút đầu tư, vừa học hỏi công nghệ; phải tạo ra những khu vực, thành phố công nghệ, trong đó có những tòa nhà đẹp nhất, hiện đại bậc nhất, có đẳng cấp thực sự hơn cả 5 sao… Thậm chí chấp nhận thiệt thòi trong giai đoạn ngắn ban đầu. Từ đó, xây dựng được môi trường cho các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới làm việc, sinh sống, trao đổi, đồng thời có thể tiếp đón các tỉ phú công nghệ đến thăm khi có dịp. Đó sẽ là một môi trường hiện đại, có đẳng cấp riêng, chuyên nghiệp – một “Thung lũng silicon VN” – với những điều kiện mà không phải ai muốn vào cũng được. Muốn vậy, không nên bình dân hóa chính sách cũng như hạ tầng.

“Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã xây dựng thành công nhiều tòa nhà hiện đại, thu hút các nhà đầu tư công nghệ tiên tiến đến Thiên Tân, Trùng Khánh. Họ tạo ra những khu nhà ở, làm việc… khác biệt rộng lớn, sang trọng dành cho các tập đoàn công nghệ, thậm chí bên trong có cả nhà thờ, được bảo vệ an ninh tối ưu. Sau chưa tới chục năm, họ học được công nghệ của các ông lớn này. Đó cũng là kinh nghiệm mà chúng ta nên tham khảo”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng gợi ý.

Việt Nam là “ngôi sao tăng trưởng”

Trong Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 2024, Ngân hàng HSBC nhận định, kinh tế VN đã trải qua một năm với nhiều nốt thăng trầm. Sau khởi đầu khó khăn trong quý 1/2024, bức tranh kinh tế VN đa phần tích cực hơn qua các tháng, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của bão số 3. Kết quả, VN trở lại vị thế một “ngôi sao tăng trưởng” trong khối ASEAN. Nhóm Nghiên cứu toàn cầu HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7% từ mức 6,5% và tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%. Con số 7% là mức tăng trưởng cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (cùng với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan). Về FDI, VN tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài khi triển vọng cơ bản vẫn tích cực. Các doanh nghiệp FDI hiện hữu tiếp tục đưa ra cam kết về đầu tư thêm vốn dự án, hỗ trợ năng lực sản xuất đang mở rộng của VN.
Kết quả khảo sát AHK World Business Outlook Fall 2024 công bố ngày 11.12.2024 của Hiệp hội Các phòng công nghiệp và thương mại Đức nhấn mạnh niềm tin của các nhà đầu tư Đức vào hiệu quả kinh doanh và sự phát triển kinh tế vĩ mô mạnh mẽ của VN, củng cố vị thế của VN như một điểm đến đầu tư hàng đầu. Theo khảo sát, 81% doanh nghiệp tham gia bày tỏ hài lòng với hoạt động hiện tại, 50% kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh, 35% có kế hoạch tăng đầu tư tại VN. Ngoài ra, 54% doanh nghiệp tin tưởng vào tốc độ phát triển ổn định của VN, 54% có kế hoạch giữ nguyên quy mô lao động, và 35% dự định tuyển thêm nhân sự trong năm tới.

(Theo Thanh Niên)



Nguồn