Ông Hoàng Nam Tiến đã ví von quyết định táo bạo của ông Trương Gia Bình cách đây 25 năm, khi chọn con đường khác biệt so với số đông là nhờ sở hữu “năng lực xuyên không”.
Tại buổi tọa đàm “Từ số 0 tới doanh nghiệp tỷ đô: Bí quyết ẩn giấu” vừa diễn ra, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, đã chia sẻ về một bí mật đặc biệt liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình.
Ông Tiến ẩn dụ rằng ông Bình dường như sở hữu “năng lực xuyên không” khi có thể quay ngược thời gian 25 năm để đưa ra những quyết định mang tính cách mạng.
Trong “Hội nghị Diên Hồng” của FPT năm 1999, ông Bình đã đưa ra quyết định “xuất khẩu phần mềm hay là chết”. Đáng chú ý, quyết định này đi ngược lại xu hướng của nhiều doanh nghiệp thời bấy giờ, khi phần lớn đều hướng tới kinh doanh bất động sản và mở ngân hàng.
Ông Hoàng Nam Tiến tại tọa đàm |
Ông Tiến nhận xét, những nhà lãnh đạo xuất chúng luôn mang trong mình sự khác biệt. Đặc biệt, những lãnh đạo xuất sắc vượt trội sẽ không theo số đông, thậm chí có thể phải đối mặt với sự chỉ trích hay hoài nghi từ người khác.
“Dường như những người đấy có năng lực rất đặc biệt là năng lực xuyên không. Họ quay về quá khứ, biết tương lai thành công như thế nào và chọn con đường đấy”, ông Tiến ví von.
Dĩ nhiên, hành trình xuất khẩu phần mềm của FPT không hề ‘trải đầy hoa hồng’. Ban đầu, sau một năm mở văn phòng tại Mỹ, FPT không chỉ tiêu hết sạch tiền mà còn không nhận được bất kỳ hợp đồng nào. Ông Tiến thậm chí thẳng thắn thừa nhận rằng, thời điểm đó, người Mỹ xem FPT như những “con khỉ biết lập trình”.
Tuy nhiên, thay vì nản lòng, ông Trương Gia Bình vẫn kiên định, kiên trì và thậm chí lì lợm với con đường mình chọn. Nhờ sự quyết tâm ấy, đến nay, FPT đã trở thành đối tác của khoảng 102 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (theo danh sách Fortune).
Chính ông Trương Gia Bình đã góp phần định hình văn hóa doanh nghiệp, một trong những yếu tố then chốt đưa FPT đi từ số 0 đến con số tỷ USD.