Năng lượng Tái tạo Việt Nam Việt giảm lỗ, sạch nợ trái phiếu khi về tay SP Group
Dù đã giảm được lỗ, CTCP Năng lượng Tái tạo Việt Nam Việt (VNV) vẫn đang lỗ lũy kế hơn 126 tỷ đồng. Điểm sáng là các khoản nợ trái phiếu đã được hoàn tất thanh toán trong nửa đầu 2024, sau khi đã về tay SP Group.
Theo báo cáo tình hình tài chính định kỳ gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), VNV lỗ sau thuế hơn 5.8 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, cùng kỳ lỗ 19 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu thời điểm ngày 30/06 còn gần 71 tỷ đồng, giảm 8.2% so với cuối 2023. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ tăng từ 0.079 lần lên 0.0882 lần, tương đương dư nợ khoảng 6.2 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu tài chính của Năng lượng Tái tạo Việt Nam Việt nửa đầu 2024
Nguồn: HNX
|
Dù khoản lỗ đã giảm đi, nhưng thực tế vẫn là Doanh nghiệp chưa thoát lỗ. Cộng thêm các khoản lỗ từ 2021 (43 tỷ đồng), 2022 (34.5 tỷ đồng), và 2023 (gần 43 tỷ đồng), VNV đã lỗ lũy kế hơn 126 tỷ đồng.
Điểm tích cực là nợ trái phiếu đã được xử lý sạch sẽ trong 6 tháng đầu năm 2024, với hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ giảm từ 6.4 lần về 0. Tại ngày 15/01/2024, Doanh nghiệp đã thanh toán trước hạn 492 tỷ đồng nợ gốc còn lại, cùng gần 6.4 tỷ đồng tiền lãi cho lô trái phiếu mã VNVH2030001.
Đây là trái phiếu dài hạn của VNV phát hành vào 03/12/2020, kỳ hạn 10 năm, đáo hạn vào 03/12/2030. Lô này gồm 6,000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng, tương ứng tổng huy động 600 tỷ đồng.
Năng lượng Tái tạo Việt Nam Việt được thành lập vào ngày 24/04/2018 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Doanh nghiệp hiện là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định), có tổng diện tích gần 56 ha, được cấp chủ trương đầu tư vào năm 2019 với tổng số vốn 1.2 ngàn tỷ đồng.
Nhà máy điện mặt trời Mỹ Hiệp
|
Các cổ đông sáng lập gồm bà Trần Thị Hương Hà (sở hữu 40%), bà Trần Thị Thùy Trang (20%) và ông Lê Đức Thoa (20%). Ông Thoa là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại thời điểm này, sau đó chuyển sang cho bà Hương Hà (Giám đốc, Tổng Giám đốc) vào tháng 4/2019.
Tháng 7/2019, VNV tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng, trong đó bà Hà nắm phần lớn (80%). Tỷ lệ của ông Thoa giảm về 18.3%, còn lại do bà Trang nắm giữ. Nhưng đến tháng 6/2020, Doanh nghiệp bất ngờ giảm vốn về 200 tỷ đồng. Bà Hương Hà nắm tới 81.6%, ông Thoa nắm gần 16.7%, còn bà Trang nắm 1.67%.
Đến tháng 1/2024, vai trò đại diện pháp luật được chuyển giao cho ông Chia Seng Boon Brandon (Xie Shengwen, quốc tịch Singapore) – Chủ tịch HĐQT VNV và ông Nguyễn Thanh Phát – Tổng Giám đốc.
Thực tế, bà Hương Hà là doanh nhân khá nổi tiếng trong mảng năng lượng, hiện đang là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật CTCP Tập đoàn Wealth Power Việt Nam. Không chỉ có cổ phần tại VNV, Wealth Power nắm khá nhiều đơn vị khác như CTCP Năng lượng Tái tạo Việt Nam, CTCP Năng lượng BS Việt Nam, CTCP Chân Mây LNG…, bà Hà cũng có mặt trong cơ cấu cổ đông của hầu hết đơn vị này.
Doanh nhân Trần Thị Hương Hà
|
Tuy nhiên, khoản đầu tư tại VNV trải qua nhiều năm thua lỗ. Cuối năm 2023, VNV đề nghị tỉnh Bình Định về việc chuyển nhượng vốn liên quan đến dự án nhà máy điện Mỹ Hiệp, và đơn vị nhận đầu tư là SP Group. Đây là lý do vì sao tháng 1/2024, bà Hà rời khỏi vị trí đại diện pháp luật, thay vào đó là ông Shengwen thuộc nhóm Sp Group. Dù chưa giúp Doanh nghiệp có lãi, VNV cũng sạch được nợ trái phiếu sau khi về tay SP Group.
SP Group là tập đoàn năng lượng hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương, chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững giúp giảm phát thải CO2. SP cũng là đơn vị vận hành lưới điện quốc gia của Singapore, có khoảng 1.6 triệu khách hàng công nghiệp, thương mại và dân cư. SP cũng sở hữu và vận hành nhiều doanh nghiệp truyền tải, phân phối điện và gas ở Singapore và Australia, cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững cho Singapore và Trung Quốc.