Chi tiết

Nếu chỉ dựa vào thương mại, Việt Nam khó đạt tăng trưởng GDP 2 con số

Tại buổi chia sẻ về “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025” mới đây do Ngân hàng UOB (Singapore) tổ chức tại Hà Nội, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB, cho biết ngân hàng này đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam lên 7,0%, từ mức 6,6% đưa ra hồi tháng trước.

Nếu dựa vào xu hướng thương mại của Việt Nam trong những năm gần đây và kịch bản trung dung của UOB về chính quyền Trump 2.0 (không áp thuế chung 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ các nước và chỉ áp thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa từ Trung Quốc thay vì 60%), mức tăng trưởng 7% của Việt Nam hoàn toàn khả quan, ông Suan Teck Kin nói.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB. Ảnh: Minh Tuấn

Việc UOB điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam diễn ra sau khi Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng kinh tế của nước ta đạt 7,09% trong năm 2024, cao hơn so với các dự báo do các tổ chức quốc tế đưa ra.

UOB là tổ chức tài chính nước ngoài mới nhất điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025. Trước đó, ngân hàng HSBC dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Tháng trước, ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thêm 0,4 điểm phần trăm lên 6,6% trong năm 2025 so với dự báo đưa ra vào tháng 9/2024.

Theo báo cáo mới nhất của UOB về Việt Nam, bộ phận nghiên cứu kinh tế của ngân hàng này kỳ vọng những chuyển biến tích cực từ các động lực trong nước như sản xuất, chi tiêu tiêu dùng, và lượng khách quốc tế, nhất là trong nửa đầu năm 2025.

Báo cáo nhắc đến mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề ra, với sự hỗ trợ từ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút vốn đầu tư.

UOB đánh giá mục tiêu này “dường như khá tham vọng”. Dẫn lời phát biểu của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam ngày 7/1 rằng Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025, ông Suan Teck Kin nêu quan điểm, nếu chỉ dựa vào thương mại, mục tiêu này khó đạt được.

Nhắc đến việc Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số trong một số năm đầu thế kỷ này, chuyên gia kinh tế UOB nêu: “Đối với Việt Nam, điều này chỉ có thể nếu Chính phủ tăng chi tiêu công, tập trung vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Nếu chỉ phụ thuộc vào thương mại hay xuất khẩu, điều này là không đủ”.

Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối thị trường tiền tệ của UOB Việt Nam, so với Trung Quốc, Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu để tăng trưởng GDP. Điều này tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế khi sức khỏe kinh tế của các đối tác thương mại lớn bị ảnh hưởng, như từng diễn ra trong giai đoạn COVID-19.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2024 đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước, còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7%. Tính chung cả năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD, giảm so với mức xuất siêu 28,4 tỷ USD năm 2023.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ hai sau Singapore về độ mở kinh tế (tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP).



Nguồn