Ngân hàng chuyển trụ sở dưới góc nhìn chuyên gia
Ngân hàng chuyển đổi trụ sở chính (hội sở) không còn là câu chuyện mới nhưng gần đây lại rộ lên khi lần lượt Eximbank và LPBank đề cập đến tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024.
ĐHĐCĐ bất thường của LPBank diễn ra mới đây, các cổ đông đã thông qua tờ trình của HĐQT về việc chuyển trụ sở chính ngân hàng. LPBank vẫn chưa công bố chính thức địa điểm được chọn làm trụ sở mới.
Sau LPBank, ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank ngày 28/11 tới cũng sẽ bàn về câu chuyện chuyển trụ sở chính từ TPHCM ra Hà Nội để phục vụ cho mục tiêu của nhà băng này trong giai đoạn mới.
Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, có thể việc LPBank hay Eximbank quyết định dời trụ sở liên quan đến chiến lược mở rộng thị trường cũng như tệp khách hàng của mỗi ngân hàng.
Là người từng thành lập First Vietnamese American Bank tại Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù với bất cứ lý do gì, trụ sở chính cũng là bộ mặt của ngân hàng. Do vậy, việc chọn địa điểm đặt trụ sở chính được xem là vấn đề mang tính chiến lược với các ngân hàng.
“Với Eximbank, từ khi thành lập đến nay ngân hàng đặt trụ sở chính tại TPHCM, còn bây giờ, muốn dời ra Hà Nội, có thể họ vì đã chọn được địa điểm phù hợp và có giá trị tốt”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Theo quan điểm của ông Hiếu, rất nhiều ngân hàng muốn đặt trụ sở tại Hà Nội bởi đây là trung tâm đầu não về kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Đồng thời, ở gần các cơ quan ban ngành trung ương, đặc biệt là gần trụ sở chính của Ngân hàng Nhà nước.
Một điểm giao dịch của Eximbank.
|
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh những diễn giải trên là suy nghĩ chung của các ngân hàng khi đi tìm địa điểm đặt trụ sở. Nhưng ông tin rằng, việc chuyển trụ sở sẽ ảnh hưởng tích cực đến chiến lược lâu dài của Eximbank.
Nói thêm về những mẫu thuẫn nội bộ của Eximbank, chuyên gia này nhấn mạnh: “Eximbank cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ HĐQT cũng như ban điều hành. Việc thay đổi trụ sở có thể là một trong những tác động sẽ đưa Eximbank vào quỹ đạo của sự phát triển ổn định, lâu dài trong giai đoạn tới”.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia pháp chế ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, từ hàng chục năm trước đã có những ngân hàng chuyển trụ sở sang các tỉnh, thành phố khác, thậm chí chuyển từ Bắc vào Nam hoặc ngược lại.
Có chung nhận định với TS. Nguyễn Trí Hiếu, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Việc chuyển trụ sở là để phù hợp với thị trường, khách hàng mà ngân hàng muốn hướng đến, việc này nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của các ngân hàng”.
Theo ông Đức, chuyện chuyển trụ sở còn phụ thuộc vào quyết định của ĐHĐCĐ có thông qua với tỷ lệ quá bán hay không. Nhưng nói chung, một khi đã đưa ra trình trước ĐHĐCĐ thì gần như sẽ chắc chắn thông qua bởi các ông chủ ngân hàng mới là những người có tiếng nói quyết định khi họ có được sự ảnh hưởng mang tính chi phối.
Tất nhiên, việc chuyển trụ sở của ngân hàng còn phải chờ quyết định của cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, vị luật sư cho rằng không có lý do gì để cơ quan này không đồng ý khi việc này không ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động của ngân hàng, không ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng, càng không ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và thị trường nói chung.
“Việc chuyển trụ sở là quyền của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước chỉ có ý kiến khi ngân hàng đó đang trong diện yếu kém cần phải kiểm soát. Khi đó, cơ quan quản lý sẽ đưa ra khuyến cáo về các vấn đề cần lưu ý. Còn trong trường hợp ngân hàng đang hoạt động bình thường thì Ngân hàng Nhà nước không có lý do gì mà không đồng ý”, luật sư Đức nhấn mạnh.
Ông Đức dẫn chứng trường hợp Ngân hàng Hàng Hải (khi đó là Maritime Bank) cũng đã có quyết định chuyển trụ sở từ thành phố Hải Phòng lên Hà Nội. Tuy nhiên, thời điểm đó Maritime Bank đang bị kiểm soát đặc biệt (giai đoạn 2001 – 2003) nên Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo tạm dừng việc chuyển trụ sở để tập trung khắc phục những yếu kém.
Đến năm 2005, sau khi đã chấm dứt bị kiểm soát đặc biệt, Maritime Bank mới chính thức chuyển trụ sở lên Hà Nội, từ đó mở rộng đối tượng khách hàng ra ngoài ngành hàng hải và khách hàng cá nhân.
Tuân Nguyễn