Chi tiết

Ngân hàng “đau đầu” vì nợ xấu

Theo tìm hiểu của phóng viên, các ngân hàng (NH) thương mại thời điểm này cấp tập rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Tài sản được rao bán không chỉ là đất nền, nhà phố, căn hộ, ô tô, máy móc, thiết bị mà còn có cả cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai.

Tích cực xử lý nợ xấu

NH Quốc tế (VIB) đang cần xử lý nhiều tài sản là bất động sản ở các tỉnh, thành – bao gồm chung cư, đất ở, nhà riêng, đất nông nghiệp… Trong khi đó, tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), toàn bộ khoản nợ gốc và lãi hơn 58,8 tỉ đồng của Công ty CP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP cũng vừa được rao bán. Đáng chú ý, khoản vay của công ty này được bảo đảm bằng 1 triệu cổ phiếu NHP, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty CP Hằng Hà, được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là toàn bộ tài sản hình thành từ dự án Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Đức Giang (Hà Nội).

Xử lý nợ xấu là bài toán khó đối với các ngân hàng thương mại, nhất là trong khâu xử lý tài sản bảo đảmẢnh: TẤN THẠNH

Xử lý nợ xấu là bài toán khó đối với các ngân hàng thương mại, nhất là trong khâu xử lý tài sản bảo đảm.Ảnh: TẤN THẠNH

Tại một tọa đàm về nợ xấu vừa được tổ chức ở TP HCM, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), nhận định dù ngành NH đã có nhiều nỗ lực nhưng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn kéo dài, nợ xấu vẫn gia tăng. Mới đây, NH Nhà nước đã gia hạn thời hạn cơ cấu nợ cho cá nhân và doanh nghiệp (DN) đến hết năm 2024, thay vì tới ngày 30-6, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng tháo gỡ khó khăn, từ đó ngành NH cũng có cơ hội thu hồi nợ. “Dù vậy, nợ xấu vẫn có nguy cơ gia tăng nhanh trong thời gian tới khi thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, giao dịch còn hạn chế” – TS Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận.

Số liệu tổng hợp của NH Nhà nước cho thấy nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6-2024 ở mức 4,56%, cao hơn mức 2,03% vào cuối năm 2022. Tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống ở mức hơn 6,4%.

Ông Lê Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục 4 Cơ quan Thanh tra Giám sát NH thuộc NH Nhà nước, cho biết tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng thời điểm này giảm so với mức 6,9% vào cuối năm 2023 nhưng tăng so với mức 4,21% hồi cuối năm 2022.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước, cho hay nợ xấu hiện nay là hệ quả của cả quá trình dài, nhất là từ sau đại dịch COVID-19. Nợ xấu có nguyên nhân bởi nhiều yếu tố khách quan của nền kinh tế, không chỉ do sự yếu kém của ngành NH. “Nợ xấu có xu hướng gia tăng với con số khá cao, đòi hỏi trách nhiệm chung để xử lý, bao gồm cả NH cho vay và người vay. NH Nhà nước sẽ có những biện pháp xử lý tích cực hơn, bảo đảm chất lượng tín dụng, kiểm soát và giảm tỉ lệ nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng để bảo đảm an toàn hệ thống” – ông Đào Minh Tú khẳng định.

Gỡ khó khâu xử lý tài sản

Việc thu hồi nợ của các NH đang gặp nhiều vướng mắc. Ông Đỗ Giang Nam – Chủ nhiệm CLB Xử lý nợ VNBA, thành viên HĐTV VAMC – cho hay bất động sản chiếm khoảng 70% tổng tài sản bảo đảm cho các khoản vay, thậm chí tại một số NH có thể là 80%-90%. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản yếu, dù các NH đẩy mạnh thanh lý tài sản để thu hồi nợ thì cũng vẫn khó giải quyết, thậm chí phải giảm giá hàng chục lần mà vẫn ế ẩm.

VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xử lý các khoản nợ đã mua như đôn đốc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ… Các hoạt động khởi kiện, thi hành án, bán nợ và tài sản bảo đảm, tổ chức đấu giá tài sản cũng được thực hiện.

Tuy nhiên, một số quy định trọng tâm trong Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội quy định về thí điểm xử lý nợ xấu không được luật hóa tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024, đã hạn chế quyền của các chủ thể xử lý nợ. Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 bổ sung quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm nhưng không có quy định về quyền thu giữ tài sản của NH. Bộ Luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn cũng chỉ quy định nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm của bên giữ tài sản, mà không trao quyền chủ động thu giữ tài sản cho bên nhận bảo đảm.

“Nghị quyết 42/2017 hết hiệu lực đã tạo khoảng trống pháp lý, thiếu cơ chế cho phép tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm. Địa phương và cơ quan công an cũng không có cơ sở pháp lý hỗ trợ việc xử lý tài sản bảo đảm như trước đây. Như vậy, nếu khách hàng không bàn giao tài sản thì NH phải chuyển sang xử lý nợ xấu theo cơ chế tố tụng, gây kéo dài thời gian và tăng chi phí” – TS Nguyễn Quốc Hùng phân tích.

Để tăng tốc xử lý, thu hồi nợ xấu, tránh trở thành “cục máu đông” của nền kinh tế, các NH kiến nghị bổ sung quy định cho phép bên nhận bảo đảm của khoản nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Việc này cũng giúp xóa bỏ tâm lý chây ì của khách hàng, chủ tài sản trong việc phối hợp xử lý tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan công an với các NH trong việc thu giữ tài sản của khoản nợ xấu. 

Nợ xấu không quá cao so với khu vực

Theo báo cáo vừa công bố của Công ty Chứng khoán Maybank, mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý II/2024 tại nhiều NH niêm yết đã nới lỏng hơn trước. Tỉ lệ nợ xấu bình quân không thay đổi so với quý trước nhưng tỉ lệ tái cơ cấu nợ tăng và tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức 94% hồi cuối năm ngoái còn 83%.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán Maybank, chỉ rõ các khoản nợ quá hạn của DN vừa và nhỏ trong ngành thương mại, thép… đã khiến nợ xấu gia tăng. “Triển vọng cải thiện tỉ lệ nợ xấu vẫn còn khó khăn bởi phụ thuộc vào sự phục hồi của DN. Dù vậy, tỉ lệ nợ xấu hiện tại của các NH Việt Nam so với khu vực Đông Nam Á lại không quá cao, trong đó có 11 NH niêm yết ghi nhận tỉ lệ nợ xấu ở mức chấp nhận được” – ông Thành cho hay.

Source link