Điều này có thể tiếp tục diễn ra do tác động theo tương quan giữa chỉ số DXY và tỷ giá USD/VND, trong trường hợp ông Trump thắng bầu cử Tổng thống Mỹ.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), trong tháng 10, sự phục hồi của chỉ số DXY trong tháng 10/2024 được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố.
Đầu tiên là nhà đầu tư lạc quan trở lại về triển vọng của kinh tế Mỹ nhờ số liệu thị trường lao động và bán lẻ trong tháng trước. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm chỉ còn 4,1% trong tháng 9, thấp hơn mức 4,2% trong tháng 8. Doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng 9, cao hơn mức tăng 0,1% trong tháng trước.
Thống kê của CME Watch Tool, xác suất Fed không cắt giảm tiếp lãi suất trong hai cuộc họp cuối năm đã tăng từ 0% lên 8,2% trong cuộc họp tháng 11 và 2,3% trong tháng 12. Bên cạnh dữ liệu kinh tế tốt hơn kỳ vọng thì kết quả khảo sát bầu cử với khoảng cách dần thu hẹp của hai ứng cứ viên Tổng thống Mỹ cũng là động lực tăng giá cho đồng USD với triển vọng Trump thắng cử.
Trong khi đó, diễn biến cặp tỷ giá USD/JPY cũng đáng chú ý, vượt ngưỡng 150 trong tháng qua và đã tăng 5,8% so với đầu tháng 10 do kỳ vọng về việc NHTW Nhật Bản nâng lãi suất bị đẩy lùi sang năm sau.
Cùng với đó, lộ trình cắt giảm lãi suất của các NHTW lớn như ECB, BoE hay BoC và cả biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây của NHTW Trung Quốc cũng góp phần vào sự phục hồi của đồng USD.
Cuối cùng, rủi ro địa chính trị leo thang ở các điểm nóng trên toàn cầu cũng là nhân tố thúc đẩy sự tăng giá của đồng USD.
Trong ngắn hạn, chuyên gia cho rằng biến động của chỉ số DXY phụ thuộc nhiều vào cuộc bầu cử Mỹ đang tới gần. Thống kê của BofA cho thấy chỉ số DXY thường tăng trong khoảng thời gian 2 tháng trước bầu cử trong 10/13 kỳ bầu cử tại Mỹ. Đặc biệt, do tỷ lệ đặt cược vào chiến thắng của Trump ở các bang ‘chiến trường’ đang tăng cũng có thể tạo đà cho chỉ số DXY trước và sau bầu cử trong trường hợp Trump thắng cử.
“Như đã nhận định từ đầu năm nay, biến động của tỷ giá USD/VND có mối tương quan khá mạnh với chỉ số DXY. Kết quả hồi quy đơn giản cho thấy biến động của chỉ số DXY có thể giải thích được 39% biến động của tỷ giá USD/VND trong năm nay, tương tự như năm 2023. Hiện tại, chỉ số DXY đang tăng trở lại nhưng chưa vượt đỉnh cũ nên dựa trên cơ sở về mối tương quan trên thì trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USDVND có thể trở lại mức đỉnh cũ và giao dịch quanh vùng này”, Trung tâm phân tích VDSC đánh giá.
Ở trong nước, ngoài mối tương quan với chỉ số DXY, diễn biến tỷ giá USDVND vào cuối quý 3 – đầu quý 4 thường bị ảnh hưởng bởi nhu cầu về ngoại tệ (trả nợ nước ngoài, nhập khẩu nguyên liệu và doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước…), dẫn đến mất cân đối về cung-cầu ngoại tệ trong nước.
Trong tuần trước, NHNN đã bán USD can thiệp nhằm kiểm soát đà mất giá của tiền đồng. VDSC cho rằng về cuối năm, dòng ngoại tệ từ kiều hối và xuất khẩu có thể giúp giảm bớt áp lực cung-cầu ngoại tệ.
“Trong kịch bản đồng DXY vượt đỉnh cũ trong tháng 11 nếu Trump thắng cử thì áp lực sẽ mạnh hơn, khi đó, NHNN có thể phải bán bớt dự trữ ngoại tệ để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng dưới 5%”, theo VDSC.
Trong phiên giao dịch mở cửa tuần này, diễn biến thị trường ghi nhận nỗ lực ổn định, khi chỉ số USD-Index lên 104,51%, song tỷ giá USD/VND giao dịch ở các ngân hàng giảm. Tỷ giá trung tâm đồng Việt Nam với USD tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mức 24.255 VND/USD, giảm 3 đồng so với phiên liền trước. Tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) theo đó dao động từ 23.400 – 25.450 VND/USD, giảm nhẹ chiều bán ra tương ứng theo tỷ giá trung tâm nhưng giảm mạnh ở chiều mua vào. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện là 23.400 – 25.450 VND/USD (mua vào – bán ra). Tuy nhiên, thị trường phi chính thức ghi nhận vẫn có dấu hiệu tăng tỷ giá.
Trước đó, thống kê cho thấy tính đến ngày 24/10 khi NHNN thực hiện bán ra ngoại tệ, tỷ giá trên thị trường chính thức và tự do đã tăng lần lượt 3,4% và 2,0% so với cuối tháng trước. So với đầu năm, tiền đồng đã mất giá khoảng 4,2-4,7% trên cả hai thị trường chính thức và tự do.
Source link