Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 4810 NHNN-QLNH gửi Bộ Công an về việc phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng.
Công văn nêu: Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng và các địa phương triển khai quyết liệt việc bình ổn thị trường vàng; trong đó, có giải pháp bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quí Sài Gòn SJC (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh) để cung ứng trực tiếp tới người dân. Giải pháp này bước đầu đã phát huy tác dụng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã giảm.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời phối hợp xác minh và xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường. Chỉ đạo công an các địa phương phối hợp đảm bảo an ninh tại các địa điểm bán vàng của các ngân hàng thương mại Nhà nước, Công ty SJC; hạn chế tình trạng các đối tượng có dụng ý xấu thuê người xếp hàng mua gom vàng, gây mất trật tự trị an.
“Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường đang lan truyền thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước thiếu vàng để bán; tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Do đó, tiếp theo công văn số 4695/NHNN-QLNH ngày 05/6/2024, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời phối hợp xác minh và xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường. Chỉ đạo công an các địa phương phối hợp đảm bảo an ninh tại các địa điểm bán vàng của các ngân hàng thương mại Nhà nước, Công ty SJC; hạn chế tình trạng các đối tượng có dụng ý xấu thuê người xếp hàng mua gom vàng, gây mất trật tự.
Kể từ 3/6, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán vàng miếng SJC cho người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Công ty SJC. Điểm khác biệt giữa SJC với các ngân hàng thương mại là các ngân hàng chỉ bán ra không mua vào còn Công ty SJC có thể tham gia thị trường ở cả 2 chiều mua và bán. Cả 5 tổ chức này chỉ bán vàng miếng với giá điều hành cho cá nhân, không phục vụ doanh nghiệp, tổ chức.
Từ 3/6 đến 10/6, đều đặn hàng sáng, Ngân hàng Nhà nước thông báo giá bán vàng miếng cho 5 đơn vị tham gia bình ổn thị trường. Giá công bố phiên 3/6 ở mức 78,98 triệu đồng/lượng; giá giảm dần đều 1.000.000 đồng các phiên sau đó và neo ở mức 75,98 triệu đồng/lượng qua 3 phiên trong các ngày 6 – 7 và 10/6. Năm đơn vị tham gia bình ổn thị trường bán ra cho người dân với giá cao hơn 1.000.000 đồng/lượng so với giá công bố của Ngân hàng Nhà nước.
Nghiệp vụ này của Ngân hàng Nhà nước đã có tác động ngay đến giá vàng trong nước. Ngoài yếu tố ảnh hưởng tâm lý dẫn đến tự thị trường đã điều chỉnh giảm mạnh ngay trước khi chính thức bán vàng, các cửa hàng vàng đã phải điều chỉnh giá vàng bán ra giảm xuống ngang với mức giá bán tại các ngân hàng thương mại Nhà nước. Kết quả, sau 5 ngày mở bán vàng miếng tại 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC, giá vàng miếng SJC đã giảm tổng cộng 4 triệu đồng/lượng. Tính từ vùng giá đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng, mỗi lượng vàng miếng SJC đã mất hơn 15 triệu đồng. Đến này 10/6, giá vàng SJC trong nước chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng hơn 5 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia đều thống nhất đánh giá, giải pháp này của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý trong việc bình ổn tâm lý thị trường, đồng thời đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới.
Ngày 10/6, Vietcombank mở thêm 4 điểm bán vàng miếng SJC, nâng tổng số điểm bán vàng miếng SJC của ngân hàng lên 10 điểm trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thời gian giao dịch từ 9h – 11h30 và từ 13h30 – 16h00 hàng ngày.
Ngoài ra, từ 11/6, Agribank cũng bổ sung 2 điểm bán vàng miếng tại TP. Hồ Chí Minh và 3 điểm tại Hà Nội, nâng tổng số điểm bán vàng miếng lên 9 điểm từ tuần này, gồm 2 điểm tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có thêm 3 điểm.