Chi tiết

Ngân hàng Nhà nước nói gì về gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng?

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về việc giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội trị giá 120.000 tỷ đồng.

Theo đó, cử tri tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho biết kết quả kiểm tra, giám sát đối với gói 120 nghìn tỷ đồng sử dụng cho vay xây dựng các dự án nhà ở xã hội, người dân đã được vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đến nay như thế nào.

GÓI 120.000 TỶ ĐỒNG HOÀN TOÀN TỪ VỐN VAY THƯƠNG MẠI

Cử tri tỉnh Bình Định cho rằng hiện nay việc giải ngân đối với gói tín dụng (120.000 tỷ đồng) về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư còn gặp nhiều khó khăn, vì thời hạn vay ưu đãi ngắn (đối với người mua nhà 5 năm, chủ đầu tư dự án 3 năm), lãi suất còn cao (chỉ thấp hơn từ 1,5 – 2%/năm so với lãi suất vay thông thường). Cử tri đề nghị hạ lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua và doanh nghiệp được tiếp cận.

Cử tri TP. Hải Phòng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung thêm giải pháp hỗ trợ về thủ tục, lãi suất vay ngân hàng để những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động thực sự có nhu cầu về nhà ở có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.

Ngân hàng Nhà nước cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank).

Theo đó, chương trình được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn huy động của người gửi tiền của các ngân hàng thương mại, việc cho vay được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về cho vay. Đến tháng 6/2024, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 1.344 tỷ đồng, tăng 646,67% so với cuối năm 2023.

Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước đánh giá tiến độ giải ngân vẫn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Đến nay, cả nước mới có 34/63 tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 78 dự án; một số dự án gặp vướng mắc về mặt pháp lý (về thủ tục về đầu tư, đất đai,…). Ngoài ra, theo báo cáo của một số địa phương, đa số người dân trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập thấp hoặc đối với công nhân trong các khu công nghiệp không có nhu cầu ở dài hạn nên không có nhu cầu mua nhà ở xã hội, chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội…

Về vấn đề ưu đãi lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh đây là chương trình được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn huy động của người gửi tiền của các ngân hàng, không dùng vốn ngân sách Nhà nước vì vậy không thể có tính ưu đãi về lãi suất như chương trình sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, mặt khác đối tượng mua nhà ở xã hội cũng không phải người nghèo. 

 

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8/2024, lãi suất áp dụng đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng đã giảm 1%/năm so với kỳ 1/1/2024-30/06/2024 và giảm gần 2%/năm so với thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cụ thể, đã 4 lần công bố lãi suất áp dụng đối với Chương trình (theo hướng giảm dần qua các kỳ công bố). Hiện, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại áp dụng đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án ở mức 7%/năm và đối với khách hàng là người mua nhà tại dự án ở mức 6,5%/năm (áp dụng từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024).

Như vậy, lãi suất áp dụng đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng đã giảm 1%/năm so với kỳ 1/1/2024-30/06/2024 và giảm gần 2%/năm so với thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình.

NÂNG QUY MÔ GÓI TÍN DỤNG 120.000 TỶ

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/8/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý đề xuất điều chỉnh nội dung Chương trình theo hướng nâng mức giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà từ 2% lên 3% trong 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo thấp hơn 1% đến 2%, so với lãi suất cho vay bình quân trung dài hạn VND của 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Đồng thời, đổi tên chương trình thành Chương trình cho vay nhà ở xã hội từ nguồn lực của ngân hàng thương mại.

Theo Ngân hàng Nhà nước do đây là chương trình được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn huy động của người gửi tiền của các ngân hàng thương mại nên việc cho vay được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về cho vay.

Theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay đối với khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (và các văn bản sửa đổi, bổ sung) thì tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích. Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) thực hiện thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định, trong đó có giám sát về tình hình cấp tín dụng của tổ chức tín dụng (bao gồm cả việc cho vay của các NHTM đối với các tổ chức, cá nhân theo Chương trình 120.000 tỷ đồng). Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình triển khai Chương trình 120.000 tỷ thông qua báo cáo định kỳ của các ngân hàng thương mại về kết quả giải ngân Chương trình.

 

Đến 30/6/2024, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 1.344/120.000 tỷ đồng gói tín dụng nhà ở xã hôị; bao gồm: 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án. Bên cạnh đó, ngoàiVietcombank , Agribank, Vietinbank đăng ký tham gia 120.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng), nay có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần là VPBank, TPBank, Techcombank và MBBank đăng ký tham gia 20.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng).

(Ngân hàng Nhà nước)

Cùng với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã dành nguồn lực để tái cấp vốn cho 19 ngân hàng thương mại để có nguồn vốn tham gia Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng cho vay cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị và các chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Chương trình hoàn thành giải ngân vào 31/12/2016, đạt doanh số hơn 29 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 30/06/2024, dư nợ cho vay của Chương trình đối với khách hàng là 3.792 tỷ đồng.

Ngoài ra, có các chương trình cho vay nhà ở xã hội có sử dụng nguồn vốn ngân sách có mức lãi suất thấp và thời gian cho vay dài hạn qua Ngân hàng Chính sách xã hội và Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo đó, đến 30/06/2024, dư nợ cho vay của chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP là 17.191 tỷ đồng với 45.262 khách hàng còn dư nợ.

Các chương trình cho vay nhà ở đối với các đối tượng chính sách như cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; cho vay hỗ trợ nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long. Đến 30/6/2024, dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội của các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là khoảng 3.030 tỷ đồng với trên 125 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Source link