Đây là số liệu được bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) thông tin tại Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu Ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phát biểu tại Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Lúa gạo là một trong những ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tạo ra những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới, khẳng định và giữ vững vị thế của thương hiệu gạo của nước ta trên thị trường quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án: “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. NHNN và ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL phát triển sản xuất kinh doanh nói chung và trong sản xuất lúa chất lượng cao nói riêng.
Đối với mục tiêu góp phần triển khai Đề án 1 triệu ha lúa theo đề án 1490 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thống đốc cho biết NHNN nhận thức đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng và nếu triển khai Đề án này một cách quyết liệt với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tin rằng đến năm 2030 chúng ta sẽ có 1.000.000 hécta lúa đảm bảo chất lượng cao, giảm phát thải và đạt được những mục tiêu rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội của khu vực ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung.
Cũng từ nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của đề án này, ngành Ngân hàng nói chung và NHNN đã nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi theo những nội dung của Đề án. Đối với Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, toàn bộ các chính sách, cơ chế cho việc triển khai đề án này đã được hoàn thiện, đã được ban hành và cũng như công tác chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trước hết là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) – ngân hàng 100% vốn Nhà nước, có vai trò chủ lực trong vấn đề cho vay nông nghiệp nông thôn nói chung và vai trò chủ lực để thực hiện thí điểm cũng như chương trình lâu dài sau này, thực hiện triển khai đề án này.
Ông cũng cho biết trước Hội nghị, thông qua chuyến khảo sát, NHNN nhận thấy rằng nếu như thực hiện tốt tất cả những chính sách đã được đặt ra trong Quyết định 1490 thì những người tham gia vào chuỗi liên kết này sẽ được thụ hưởng ưu đãi của Nhà nước rất tích cực, mà đây cũng là điều kiện có thể nói là có tính chất quyết định cho việc đảm bảo tính lâu dài, tính ổn định và bền vững của việc liên kết giữa các doanh nghiệp hợp tác xã, hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư ban đầu đến khâu trồng trọt đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Đối với ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo:
NHNN chi nhánh 12 tỉnh, thành phố tại ĐBSCL: Chỉ đạo, theo dõi việc cho vay theo Chương trình của các chi nhánh Agribank trên địa bàn; Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành trong việc tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn; kịp thời tham mưu cho NHNN, UBND tỉnh, thành phố xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai cho vay.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đẩy mạnh cho vay theo Chương trình; xác định việc thực hiện cho vay trong giai đoạn thí điểm là nhiệm vụ chính trị; Tăng cường công tác truyền thông, thông tin tại vùng ĐBSCL để các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân biết và tiếp cận chính sách. Kịp thời báo cáo NHNN những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cho vay theo Chương trình.
Các NHTM khác: Xem xét đăng ký cho vay trong giai đoạn thí điểm và sẵn sàng văn bản hướng dẫn để triển khai ngay trong giai đoạn mở rộng thực hiện.
Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng: Hướng dẫn, tuyên truyền về Chương trình cho vay để các thành viên nắm bắt, tiếp cận chính sách thuận lợi.
Các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Đề án: Chủ động phối hợp cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh… để Agribank có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay. Thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung trong thỏa thuận liên kết giữa các bên; thỏa thuận cho vay ký kết với Agribank, các tổ chức tín dụng cho vay.
“Tôi cũng xin nhấn mạnh, những ai tham gia vào chuỗi liên kết này là đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng, các chính sách ưu đãi sẽ được thông báo rộng rãi cho bà con nông dân thông qua các chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng đây là giai đoạn thí điểm, sẽ tiếp tục lắng nghe tiếp thu những gì có thể còn vướng mắc, những gì chưa đồng bộ, để có thể tư vấn tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp”, Phó Thống đốc trao đổi cùng báo chí.
Tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang thông tin, đến cuối tháng 9/2024, tín dụng đối với ngành lúa gạo vùng ĐBSCL đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng , tăng 18% so với cuối năm 2023 (cao hơn so với tốc độ tăng dư nợ lúa gạo toàn quốc 7,31%), chiếm khoảng 53% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc.
Về việc thực hiện các chỉ đạo của NHNN, bà Giang thông tin thêm là NHNN khuyến khích các TCTD khác đăng ký cho vay trong giai đoạn thí điểm và đề nghị các ngân hàng sẵn sàng văn bản hướng dẫn để triển khai ngay trong giai đoạn mở rộng thực hiện.
Về nguồn lực và nguyên tắc cho vay, TCTD thực hiện cho vay bằng nguồn vốn tự huy động của TCTD; do đó, việc cho vay được thực hiện theo cơ chế thương mại với các điều kiện cho vay theo quy định hiện hành của TCTD đối với khách hàng.
Về thời hạn và mục đích cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) trong liên kết lúa gạo.
Về lãi suất cho vay, các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 01%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm.
Ngoài các chính sách ưu đãi nêu trên, các chủ thể tham gia Đề án còn được hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018, theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng – Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490 thì Agribank đã triển khai thực hiện ký kết toàn diện với Bộ Nông nghiệp, đặc biệt ký riêng 1 Biên bản ghi nhớ để triển khai Đề án 1triệu héc ta lúa.
Đến thời điểm hiện tại, ngân hàng đã phối hợp cùng các Bộ ngành thực hiện chương trình, hướng dẫn các Chi nhánh Agribank trên địa bàn 12 tỉnh thành ĐBSCL sẵn sàng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho chương trình 1 triệu ha lúa với lãi suất thấp hơn 1% so với mức lãi suất cho vay thông thường và nhiều ưu đãi khác.
“Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết triển khai, trước mắt thí điểm 30.000 tỷ đồng cho chương trình này, đồng thời không hạn chế quy mô. Tiếp tục, chúng tôi sẽ triển khai nhiều chương trình, sản phẩm gắn với từng chuỗi liên kết, từng vùng đặc thù để đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tài chính phục vụ cho đề án này một cách ưu việt nhất, góp phần hoàn thành đề án, gắn với chương trình chuyển đổi số.
Thông tin theo phát biểu của ông Phạm Toàn Vượng tại Hội nghị, đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cấp tín dụng của Agribank đạt 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 7,45% so với đầu năm, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 6,65% so với đầu năm. Agribank là ngân hàng có tỉ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn rất lớn, chiếm khoảng 62% tổng dư nợ tại ngân hàng và là ngân hàng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lớn nhất cả nước. Trong đó, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đến cuối tháng 10 đạt 425 nghìn tỷ đồng, tăng 6,15% so với đầu năm (dư nợ nông nghiệp: 356.000 tỷ đồng, tăng 5%% so với đầu năm; dư nợ lâm nghiệp: 22.000 tỷ đồng, tăng 16,5%; dư nợ thuỷ sản: 46.000 tỷ đồng, tăng 7,3%).
Riêng tại vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, tổng dư nợ toàn vùng của Agribank đạt 262 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng, tăng 8,01% so với đầu năm. Dư nợ cá nhân đạt gần 226 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 86,3% tổng dư nợ, dư nợ pháp nhân đạt gần 36 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 13,7% tổng dư nợ. Dư nợ ngắn hạn đạt gần 163 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 62,2% tổng dư nợ, dư nợ trung, dài hạn đạt gần 99 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng dư nợ. Tại ĐBSCL, dư nợ nông nghiệp nông thôn đạt trên 214 nghìn tỷ đồng, tăng 8,47% so với đầu năm. Tỉ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn tại đây lên tới gần 82% tổng dư nợ toàn vùng của Agribank. Trong đó, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản tại ĐBSCL đến cuối tháng 10 đạt trên 103 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với đầu năm (dư nợ nông nghiệp: 75.422 tỷ đồng, tăng 5,2% so với đầu năm; dư nợ lâm nghiệp: 196 tỷ đồng, tăng 9,8%; dư nợ thuỷ sản: 27.488 tỷ đồng, tăng 10,1%). Tại ĐBSCL, lúa gạo là sản phẩm chủ lực có sản lượng và giá trị xuất khẩu cao, dư nợ lúa gạo tại đây đạt gần 33 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so với đầu năm, chiếm khoảng 47,5% dư nợ lúa gạo toàn hệ thống Agribank.
Source link