2024 tiếp tục là 1 năm có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các CTCK nhằm thu hút và giữ chân khách hàng. Không chỉ miễn phí giao dịch, nhiều CTCK còn thực hiện các chương trình ưu đãi margin, hoàn phí để thu hút và giữ chân khách hàng giao dịch. Bên cạnh đó, các yếu tố về an ninh mạng, sự đa dạng về sản phẩm và dịch vụ cũng là các yếu tố mà khách hàng quan tâm khi lực chọn CTCK để giao dịch. Bức tranh thị phần 2024 theo đó cũng có nhiều xáo trộn đáng kể.
Theo danh sách Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố, 10 công ty chứng khoán có thị phần giao dịch môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo lớn nhất trong quý IV/2024 bao gồm: VPS, SSI, TCBS, Vietcap, HSC, VNDirect, Mirae Asset, KIS VN và FPTS với tổng thị phần 66,2%.
Tính chung cả năm 2024, top 10 thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có đảm bảo trên HoSE vẫn là những cái tên quen thuộc với tổng thị phần 68,25%. Trong đó, Chứng khoán VPS dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu tại HoSE với 18,26%, gấp đôi đơn vị đứng thứ 2 là SSI với 9,18%. Còn VNDirect bị tụt thứ hạng nghiêm trọng từ Top 3 năm 2022 – 2023 xuống thứ 6, thị phần giảm từ trên 7% xuống 5,87%. Nhóm công ty chứng khoán có vốn nước ngoài có 2 đại diện là Mirae Asset (4,54%) và KIS VN (2,93%).
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, hiện cả nước có khoảng 85 công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động, trong đó ở giai đoạn 2017-2019 đã chứng kiến nhiều thay đổi trong chiến lược kinh doanh của các công ty trong ngành.
Nổi bật là một số CTCK được mua lại và tăng vốn mạnh mẽ từ các tập đoàn tài chính nước ngoài như Chứng khoán KB ra mắt vào đầu năm 2018 (được Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc mua lại vào tháng 10/2017), chứng khoán Pinetree ra mắt đầu năm 2019 (Hanwha Investment & Securities mua lại), chứng khoán JB Việt Nam năm 2020 (Tập đoàn Tài chính JB mua lại). Với nguồn vốn rẻ từ công ty mẹ, các công ty này đã đi đầu trong xu thế giảm lãi margin và phí mô giới để giành thị phần. Điển hình như chứng khoán Pinetree khi mới ra mắt đã áp dụng lãi vay margin chỉ 9%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 12-14%/năm của các CTCK khác.
Ngoài ra với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường TPDN và thị trường cổ phiếu, các ngân hàng đã mạnh tay đầu tư cho mảng chứng khoán để nắm bắt cơ hội tăng trưởng cũng như tối ưu hệ sinh thái khách hàng. Trong 3 năm qua, hàng loạt CTCK có ngân hàng hỗ trợ đã thực hiện tăng vốn như MBS, ACBS, SHS, ORS,…với mức tăng tối thiếu 100% so với đầu năm 2021.
Dư địa đến từ yếu tố nội tại
Về mặt triển vọng, VDSC cho rằng nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng ổn định và bền vững sẽ tạo ra dư địa để thị trường chứng khoán phát triển. Ngoài ra, cơ chế bù trừ trung tâm (CCP) sẽ là mảnh ghép quan trọng, yếu tố then chốt để nâng hạng thị trường, mở ra cơ hội cho các sản phẩm đầu tư mới.
Hơn nữa, thị trường chứng khoán trong nước kỳ vọng sẽ được nâng hạng lên nhóm mới nổi của FTSE trong năm 2025 là điểm cộng tích cực cho các công ty chứng khoán. Khả năng cao, Việt Nam sẽ đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ chủ động và thụ động quốc tế tham gia đầu tư.
Theo VDSC, trong bối cảnh này, những công ty chứng khoán sở hữu tiềm lực tại chính vững mạnh và năng lực công nghệ vượt trội sẽ nắm bắt tốt hơn các cơ hội tăng trưởng. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán vẫn phải đối mặt với những rủi ro như cạnh tranh cao trong ngành, thanh khoản thị trường sụt giảm, biến động kinh tế vĩ mô, địa chính trị.
Cụ thể hơn, VDSC nhận định nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa thu hút dòng vốn ngoại và là động lực để nhu cầu cho vay ký quỹ tiếp tục tăng.
Với sản phẩm đầu tư còn sơ khai, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển các sản phẩm đầu tư mới, phù hợp theo xu hướng chung của thế giới. Nhiều công ty chứng khoán đến nay đã đưa ra các sản phẩm đầu tư đa dạng hơn như đầu tư theo hướng bền vững ESG hay ứng dụng công nghệ (AI, Blockchain) vào hoạt động tư vấn đầu tư, dịch vụ quản lý tài sản cho khách hàng hay là các sản phẩm phái sinh khác. Điều này đồng nghĩa với việc, các công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi khi lượng khách hàng mới (cả trong và ngoài nước) tham gia đầu tư sản phẩm mới tăng lên.
Hiện tại, định giá P/E của ngành chứng khoán là 20,2 lần và P/B là 1,9 lần, tức đang nhỉnh hơn so với mức định giá trung bình 5 năm lần lượt là 16,8 lần và 1,6 lần. Tuy nhiên, mức định giá hiện tại đang tiệm cận với hệ số định giá trung bình của 3 năm qua. Điều này cho thấy, mức định giá của các công ty chứng khoán có phần tương đồng với diễn biến thanh khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước.
Mức định giá hiện tại của ngành chứng khoán dù chưa hấp dẫn nhưng với kỳ vọng số lượng doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục gia tăng trong hai năm tới, cùng triển vọng nâng hạng thị trường trong năm 2025, dư địa tham gia của nhà đầu tư trong nước tiếp tục gia tăng khi mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp, nền tảng vốn ngày càng vững mạnh khi các CTCK liên tục huy động thêm nguồn VCSH mới. Đây là động lực để thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trong thời gian tới. Qua đó, nhiều khả năng, mức định giá của ngành chứng khoán sẽ còn mở rộng.