Chi tiết

Ngành dệt may tăng trưởng nhưng chưa đồng đều

Ngành dệt may tăng trưởng nhưng chưa đồng đều

Bức tranh lợi nhuận quý 2 của nhóm doanh nghiệp dệt may dù thể hiện sự phục hồi, tăng trưởng nhưng chưa đồng đều. Phần lớn sự khởi sắc tập trung ở doanh nghiệp đầu ngành, trong khi doanh nghiệp quy mô nhỏ vẫn rất khó khăn.


Ảnh minh họa

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 7/2024 đạt gần 4.3 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ tháng 8/2022. Tính chung 7 tháng, xuất khẩu toàn ngành dệt may tăng gần 6% so với cùng kỳ, với trị giá 23.9 tỷ USD.

Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may cũng có những điểm sáng, song sự hồi phục chưa đồng đều. Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, trong 32 doanh nghiệp dệt may trên hai sàn công bố kết quả quý 2/2024, có 13 doanh nghiệp tăng lãi, 8 doanh nghiệp giảm lãi, 5 doanh nghiệp có lãi trở lại, 4 doanh nghiệp tiếp tục lỗ và 2 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ.

Tổng doanh thu và lãi ròng của các doanh nghiệp đạt hơn 20,352 tỷ đồng và hơn 652 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 89% so với cùng kỳ, chủ yếu dựa trên nền thấp năm 2023. Biên lãi gộp cải thiện từ mức 10% cùng kỳ lên hơn 13%.

Bức tranh đa sắc, không chỉ có màu hồng

Có 11/32 doanh nghiệp dệt may đạt lợi nhuận ròng tăng trưởng trong quý 2 với các mức tăng đều trên 50% so cùng kỳ. Dệt may Thành Công (TCM) tăng trưởng lợi nhuận gần 38 lần cùng kỳ, đạt hơn 71 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu loại trừ quý 3/2021 (do lỗ) thì quý 2/2023 là kỳ lợi nhuận thấp nhất trong hơn 1 năm qua, nên TCM mới có sự tăng trưởng cao trong kỳ này. Công ty cho biết đã nâng năng suất, hiệu suất, giảm lãng phí, tối ưu doanh thu và lợi nhuận.



TCM có quý lãi cao nhất gần 2 năm

Tương tự, so với nền thấp, tăng trưởng lợi nhuận ba con số còn có CTCP Mirae (KMR) gấp 12.5 lần đạt 3.4 tỷ đồng; Tổng Công ty Việt Thắng (TVT) gấp 3.6 lần đạt 2 tỷ đồng hay như Tập Đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (AAT); CTCP X20; Dệt may Hòa Thọ (HTG) và May Nhà Bè (MNB) đều gấp đôi cùng kỳ.

Quán quân lợi nhuận trong quý 2/2024 thuộc về May Việt Tiến (VGG), đạt hơn 100 tỷ đồng, tăng 73%. Công ty cho biết do doanh thu tăng gần 37% lên gần 3.1 ngàn tỷ đồng và phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng gần 11 tỷ đồng làm lợi nhuận tăng.

Quán quân doanh thu quý 2 gọi tên “ông lớn” Vinatex (VGT) thu về hơn 4.1 ngàn tỷ đồng, tăng 6%. Tính chung 6 tháng, doanh thu đạt gần 8.1 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng doanh thu cả nhóm.

Thành quả của Dệt may TNG là doanh thu kỷ lục tính theo quý, đạt gần 2.2 ngàn tỷ đồng, tăng 9% cùng kỳ. Công ty cho biết do khai thác các dòng hàng khó, phức tạp. Kết quả, lãi ròng đạt hơn 86 tỷ đồng, mức cao nhất gần 2 năm và tăng 57% so với cùng kỳ.

May Sông Hồng (MSH) có doanh thu hơn 1.3 ngàn tỷ đồng, thấp hơn 14% so với quý 2/2023, chủ yếu do một số đơn hàng đã sản xuất nhưng kế hoạch xuất hàng vào đầu tháng 7. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động tài chính tăng cao giúp lãi ròng cải thiện 7% lên gần 92 tỷ đồng.

Ở nhóm doanh nghiệp xơ sợi, công ty con Vinatex – Dệt Phong Phú (PPH) là điểm sáng về tăng trưởng doanh thu, đạt hơn 551 tỷ đồng, tăng 46%, mức tăng trưởng cao nhất toàn ngành. Tuy nhiên, tăng trưởng tổng chi phí nhanh hơn khiến lãi ròng giảm nhẹ 2% về dưới 84 tỷ đồng.

Damsan (ADS) có kỳ kinh doanh không thuận lợi, ghi nhận 391.5 tỷ đồng doanh thu, giảm 42% so với cùng kỳ. Lãi ròng vỏn vẹn 6.4 tỷ đồng, lao dốc 74%. Nguyên nhân do giá bông sợi giảm 30% nên Công ty chỉ thực hiện sản xuất 80% công suất.

Sợi Thế Kỷ (STK) gây bất ngờ khi báo lỗ kỷ lục 55.5 tỷ đồng trong quý 2, kém xa khoản lãi hơn 37 tỷ đồng cùng kỳ 2023. Nguyên nhân do doanh số bán hàng thấp và phát sinh chi phí ngưng máy vào giá vốn hàng bán vì trong kỳ, Công ty ngưng nhiều máy nhằm hạn chế gia tăng thêm thành phẩm tồn kho khi nhu cầu thị trường yếu.

Những doanh nghiệp kinh doanh không có lãi trong quý 2 còn có Dệt may Hà Nội (HSM) lỗ thêm gần 47 tỷ đồng; Dệt may Nam Định (NDT) lỗ hơn 19 tỷ đồng; FORTEX (FTM) và Everpia (EVE) đồng thời lỗ 9 tỷ đồng. Riêng Garmex (GMC) giảm lỗ từ 12.5 tỷ đồng về dưới 500 triệu đồng, hỗ trợ từ khoản thu nhập thanh lý tài sản không sử dụng.

Chỉ 1 doanh nghiệp “về đích” sớm kế hoạch lợi nhuận

Năm 2024, các doanh nghiệp dệt may đặt kỳ vọng tươi sáng với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đa phần đều tăng dựa trên bối cảnh xuất khẩu trở lại đà tăng trưởng trong những tháng đầu năm, trái ngược với tình cảnh ảm đạm năm 2023.

Sau 6 tháng, chỉ có Dệt – May Nha Trang (NTT) công bố vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm tới 135%. Trong khi có 12 doanh nghiệp dệt may đã thực hiện hơn nửa mục tiêu lợi nhuận 2024, có 3 đơn vị đã đi được 4/5 chặng về đích gồm VGG, May Hữu Nghị (HNI) và Sợi Phú Bài (SPB).

Chưa có doanh nghiệp dệt may nào đạt kế hoạch doanh thu 2024. Dẫn đầu “đường đua” về đích hiện có MNB, NTTHNI đã thực hiện được từ 62-68% kế hoạch doanh thu năm.

Cơ hội dịch chuyển đơn hàng

Đánh giá về bức tranh của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm, ông Trần Như Tùng – Chủ tịch HĐQT TCM cho rằng, tăng trưởng của xuất khẩu dệt may một phần bởi mức nền 2023 thấp. “Năm ngoái là đáy và đang hồi phục dần, nhưng chưa bằng năm 2022 nên chưa thể vội mừng với ngành dệt may”, ông Tùng cho biết.

Trong một chia sẻ gần đây, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, mặc dù ngành dệt may Việt Nam có nhiều khởi sắc nhưng mức tăng trưởng do chuyển dịch đơn hàng từ các nước khác sang thị trường Việt Nam, chứ bản chất thật là tiêu dùng toàn cầu chưa tăng.

Cũng theo ông Giang, các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 11/2024, các doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn về cuối năm với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024.

Mặt khác, giới phân tích đánh giá nhóm doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể được hưởng lợi từ việc Bangladesh, thủ phủ may mặc thế giới, gặp khó do tình trạng bất ổn ở nước này vẫn tiếp diễn.

Theo trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), nhiều nhà máy tại Bangladesh đóng cửa nên khách hàng sẽ cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Cùng quan điểm, bộ phận phân tích Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) nhận định doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc ở Việt Nam có thể đón nhận những đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh. Hiện tại cũng là cao điểm mùa xuất khẩu đối với các mặt hàng may mặc nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm.

Về dài hạn, các doanh nghiệp FDI chắc chắn sẽ suy nghĩ đến việc tìm một quốc gia thay thế Bangladesh trong chuỗi cung ứng ngành dệt may bởi tình trạng bất ổn và những rủi ro gián đoạn tiềm ẩn. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như nguồn nhân công giá rẻ, có tay nghề cao, các chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp FDI, cơ sở hạ tầng cũng đang ngày càng hoàn thiện.

Trước những thông tin khá tích cực, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp dệt may “tranh thủ” bứt tốc, thậm chí vượt đỉnh lịch sử như giá cổ phiếu CTCP May mặc Bình Dương (BDG) vào phiên 12/08 tại mức 37,500 đồng/cp, tăng hơn 20% từ đầu tháng 7.

Tương tự, giá cổ phiếu TNG đang trong đà đi lên và tiến gần về vùng đỉnh lịch sử 29,500 đồng/cp lập cuối tháng 4/2022.  Một số cổ phiếu dệt may cũng ghi nhận đà tăng tốt như HTG; M10; VGT; TCM


Diễn biến một số cổ phiếu dệt may từ đầu năm 2024 đến nay


Nguồn: VietstockFinance

Thế Mạnh

FILI



Source link