Chi tiết

Ngành địa chất hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững

Anh the Sơn 10-2022

Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Thái Sơn – Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm trong trao đổi với phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

– Với bề dày trên 46 năm phát triển của Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm, trong giai đoạn hiện nay khi mà lĩnh vực khoáng sản tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội thì áp lực đối với ngành càng lớn. Xin ông chia sẻ về điều này?

Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), với chức năng thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, đánh giá, thăm dò khoáng sản, điều tra địa chất môi trường, khoáng sản độc hại…, tập thể cán bộ, viên chức và người lao động Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm có thể nói đã và đang kế thừa và phát huy những thành tựu mà các thế hệ đi trước đã xây dựng.

Tuy nhiên, trên chặng đường phát triển cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại bởi đây là lĩnh vực đặc thù của ngành Tài nguyên và Môi trường ít được truyền thông, ít được biết đến đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên thường xuyên phải làm việc trong môi trường nặng nhọc độc hại, những địa phương vùng sâu, vùng xa, đồi núi, “rừng thiêng nước độc”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, cơ quan chủ quản giao, cán bộ, viên chức, người lao động của Liên đoàn – những cánh chim địa chất, luôn tiên phong từ khi xây dựng và phát triển Liên đoàn đến thế hệ trẻ ngày nay không quản khó khăn, gian khổ và tâm huyết với Ngành, giống như những viên chức, người lao động khác trong Ngành Địa chất, họ luôn thấm từng từ trong câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.

Từ đó các mỏ, điểm quặng được điều tra, đánh giá, thăm dò góp phần khẳng định Việt Nam là nước có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này và làm nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước như khẳng định tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi khoáng sản độc hại trên phạm vi cả nước đã được Liên đoàn phát hiện trong quá trình điều tra đánh giá địa chất môi trường khoáng sản độc hại và được bàn giao cho các địa phương.

xanh xa hiem
Công tác khảo sát địa chất môi trường tại thực địa của các cán bộ viên chức Liên đoàn

– Việc điều tra, đánh giá khoáng sản trong bối cảnh hiện nay đóng góp rất lớn trong các lĩnh vực không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đang rất quan tâm như mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và đi cùng đó là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Ông có thể chia sẻ những kết quả nghiên cứu của đơn vị để hiện thực hóa mục tiêu này?

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm đã và đang thực hiện nhiều nghiên cứu, nhiều đề án về điều tra cơ bản địa chất, đánh giá, thăm dò tiềm năng khoáng sản; khoáng sản chiến lược, quan trọng và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ.
Việc xác định được trữ lượng và công nghệ thu hồi, chế biến khoáng sản là cơ sở bước đầu đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đã cam kết tại COP 26 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”.

– Trong giai đoạn tới để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Liên đoàn đã xác định định hướng phát triển chủ yếu và những mục tiêu nào?

Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có những định hướng quan trọng là: Đánh giá tổng thể tiềm năng các khoáng sản chiến lược, quan trọng; điều tra, đánh giá lập bản đồ địa chất môi trường chi tiết; hoàn thành điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ trên toàn quốc,…

Đây là những định hướng phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao của Liên đoàn. Để hiện thực hóa các định hướng trên, Liên đoàn xác định ngoài các giải pháp đã và đang triển khai, tiếp tục phát triển các giải pháp như giải pháp hoạt động dựa trên công nghệ số, thu nhận, tích hợp với các hệ thống kết nối thông tin, quản lý, lưu trữ và sử dụng các dữ liệu địa chất khoáng sản, địa chất môi trường; ứng dụng các công nghệ mới để phân tích, xử lý, đánh giá các dữ liệu nhằm đưa ra quyết định chính xác, kịp thời.

Với lực lượng các nhà khoa học trẻ và công nghệ hiện có, Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm tiếp tục phát huy truyền thống nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả điều tra cơ bản, thăm dò khoáng sản; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia có trình độ cao và công nhân lành nghề trong lĩnh vực địa chất khoáng sản, địa chất môi trường; đồng thời tiếp tục đề xuất các cấp thẩm quyền xây dựng chế độ đãi ngộ lực lượng viên chức, người lao động phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Xây dựng Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm tiếp tục là một trong các đơn vị đầu ngành, góp phần xây dựng và phát triển bền vững ngành địa chất Việt Nam.

– Xin cảm ơn ông!

Nguồn