Chi tiết

Ngành giao thông vận tải quyết liệt phấn đấu đạt mức giải ngân tối thiểu 95%

Chiều ngày 12/12, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị giao ban công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12/2024, Bộ trưởng Trần Hồng Minh chủ trì hội nghị.

Tính đến hết tháng 11/2024, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được 52.750 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch được giao, duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước giải ngân trung bình 60,4%).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, đơn vị đã thực hiện được nhiều công việc quan trọng, trong đó có nhiều công việc hoàn thành ở mức độ rất tốt, đặc biệt là nội dung công việc về chủ trương đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quốc gia được đẩy nhanh; tiến độ thi công các dự án cao tốc tích cực…

 

Hết tháng 11/2024, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân khoảng 52.750 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch đã được giao, duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước giải ngân trung bình 60,4%).

Với kết quả đạt được đến thời điểm này, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cho rằng khối lượng công việc còn lại của năm 2024 nói riêng và trong những tháng đầu năm 2025 rất lớn, đòi hỏi mọi mặt công tác cần sự tập trung, quyết tâm, quyết liệt cao độ. “Chúng ta phải dành thời gian không chỉ ban ngày mà còn cả đêm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với công tác triển khai các dự án giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Trần Hồng Minh lưu ý hiện tại đang vào mùa khô, thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ thi công. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ khó khăn của các dự án ở khu vực miền Tây, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải giúp đỡ các đơn vị khắc phục khó khăn, vướng mắc ở mức cao nhất nhưng vẫn phải đặt việc bảo đảm chất lượng công trình lên hàng đầu.

Song song đó, Bộ trưởng đánh giá cao việc các đơn vị áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiệu quả vừa bảo đảm chất lượng, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Đối với dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu lãnh đạo cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu giải pháp rút ngắn thời gian gia tải nền đất yếu song hành với bảo đảm chất lượng, đồng thời tích cực giải quyết khó khăn, vướng mắc mặt bằng ở một số dự án điển hình như cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Đối với dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, dự án thành phần 1 và dự án thành phần 3 do địa phương làm chủ đầu tư trong Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư dự án thành phần 2. Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, với tư cách là bộ chuyên ngành, dù khó khăn, vướng mắc đến đâu, Bộ Giao thông vận tải vẫn phải làm tốt nhất dự án này.

Toàn cảnh Hội nghị giao ban tháng 11 của Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: Báo Giao thông
Toàn cảnh Hội nghị giao ban tháng 11 của Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: Báo Giao thông

Đối với siêu dự án là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng cho rằng tiến độ dự án thành phần 3 và dự án thành phần 4 chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, Bộ trưởng đề nghị nghiên cứu lập tổ công tác, phối hợp tháo gỡ các khó khăn. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tích cực phối hợp với cơ quan liên quan, chủ đầu tư nghiên cứu sớm triển khai các dự án hạ tầng kết nối quan trọng, như: Dự án mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành; dự án mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận theo phương thức PPP, dự án dừng/chậm tiến độ như Hà Nội – Yên Viên – Phả Lại – Cái Lân.

Một siêu dự án khác của ngành giao thông trong năm 2024 là đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu tăng cường nguồn lực, năng lực cho đơn vị quản lý dự án dự kiến sẽ đảm đương các khối lượng công việc tại dự án. Đồng thời tham khảo kinh nghiệm, học hỏi các nước phát triển mạnh đường sắt tốc độ cao về cách thức quản lý, tổ chức triển khai, có thể nghiên cứu lập ban tổng công trình hoặc lựa chọn kỹ sư trưởng, kiến trúc sư trưởng…

Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu phấn đấu khởi công dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025, đồng thời đề nghị đơn vị liên quan làm rõ các nội dung liên quan đến công tác đầu tư dự án này, làm cơ sở lãnh đạo Bộ làm việc với đối tác, thúc đẩy tiến trình triển khai.

Nguồn